Ngoài sản xuất nông nghiệp, xã Trực Chính còn phát triển đa dạng ngành nghề như dệt, may công nghiệp, cơ khí, mộc dân dụng… Ước tính giá trị thu nhập từ sản xuất thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ bình quân mỗi năm của xã đạt trên 50 tỷ đồng.
Tạo điều kiện cho DN, HTX
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng ủy xã đã ra nghị quyết tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội với những chủ trương, chính sách cụ thể, phù hợp với đặc điểm và nguồn nội lực của địa phương.
Hiện, xã có vùng nuôi trồng thủy sản rộng gần 70ha. Nhờ chuyển dịch hợp lý cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giá trị sản xuất nông nghiệp của xã thường đạt từ 50 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, xã còn tập trung các nguồn lực hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN, HTX, cơ sở sản xuất, hộ cá thể đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh đa dạng ngành nghề sản xuất công nghiệp - TTCN.
Trên địa bàn xã, ngoài làng nghề dệt truyền thống Dịch Diệp đã được UBND tỉnh công nhận năm 2012, còn phát triển mạnh các nghề mới như: may công nghiệp, cơ khí, chế biến gỗ.
Để thúc đẩy làng nghề phát triển, xã đã đầu tư cải thiện nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật của khu vực làng nghề nói riêng và trên toàn địa bàn xã đảm bảo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và sản xuất, như: Nâng cấp, mở rộng đường giao thông, xây dựng hệ thống tiêu thoát nước thải cho khu vực làng nghề, quy hoạch vùng sản xuất tập trung rộng gần 1,5ha để mở rộng phát triển sản xuất công nghiệp - TTCN.
UBND xã phối hợp với các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay; dành quỹ đất để các hộ mở rộng sản xuất; hỗ trợ đào tạo nghề, mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật…
Bị ảnh hưởng bởi suy giảm kinh tế nhưng nghề dệt truyền thống của xã vẫn duy trì và phát triển ổn định.
Một cơ sở sản xuất dệt xuất khẩu ở xã Trực Chính |
4 HTX, 500 khung dệt
Theo thống kê của UBND xã, toàn xã hiện có trên 500 khung dệt của 4 HTX dệt, gồm: Vạn Diệp, Bình Định, Hoàng Anh và Đức Ân với trên 300 thành viên, hàng trăm hộ làm nghề, thu hút khoảng 600 lao động trực tiếp. Sản phẩm chủ yếu của làng nghề là các loại khăn mặt, khăn tắm phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Ngoài các HTX dệt truyền thống, trên địa bàn xã đã hình thành 5 cơ sở may công nghiệp nhận gia công các sản phẩm: Quần áo thể thao xuất khẩu, áo mưa, khăn các loại, màn tuyn…, mỗi cơ sở thu hút 20 - 25 lao động địa phương với thu nhập ổn định từ 3 triệu đồng/người/tháng trở lên.
Ngành nghề phát triển, đời sống của người dân Trực Chính đã được cải thiện, nâng cao; các công trình phúc lợi, phục vụ sản xuất được đầu tư cải tạo, xây dựng đồng bộ; số hộ khá, giàu tăng nhanh.
Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2018 và những năm tiếp theo, xã xác định tiếp tục thực hiện các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ dân, cơ sở sản xuất và DN, HTX, cơ sở sản xuất đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm xây dựng NTM bền vững.
Thành Trung