Báo cáo của Liên minh HTX tỉnh Hà Giang cho biết, huyện Quang Bình có 51 HTX, với 872 thành viên tham gia, tổng vốn điều lệ trên 27,2 tỷ đồng. Số HTX đã chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 đạt 31 HTX, thành lập mới 5 HTX trong đó có 3 HTX toàn thôn.
Đẩy mạnh hỗ trợ
Với thế mạnh về nông nghiệp, huyện đã xây dựng thành công 26 HTX nông nghiệp “ăn nên làm ra”, hoạt động chính trong các lĩnh vực như sản xuất cây lâm nghiệp, dịch vụ cung ứng con giống, thu mua và chế biến nông sản, quản lý, khai thác, bảo vệ các công trình thủy lợi vừa và nhỏ…
Để các HTX hoạt động hiệu quả, trong những năm qua, huyện Quang Bình đã thực hiện nhiều giải pháp khuyến khích, hỗ trợ HTX phát triển. Cụ thể, huyện chủ động rà soát, thống kê số lượng và tiến hành đánh giá lại các HTX trên địa bàn, sau đó kiện toàn, củng cố lại theo Luật HTX năm 2012.
Các chính sách về vốn vay cũng được huyện chỉ đạo hỗ trợ kịp thời cho các HTX. Các nguồn vốn từ quỹ phát triển nông thôn mới, quỹ hỗ trợ phát triển khoa học-công nghệ… được huyện ưu tiên hỗ trợ các HTX có tiềm năng.
Huyện cũng khuyến khích, hỗ trợ các HTX tổ chức liên doanh, liên kết sản xuất giữa các HTX với nhau, giữa các HTX với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, trường học… để mở rộng đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo đầu ra cho sản phẩm.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền cũng được huyện làm rất tốt. Đơn cử, năm 2017, huyện Quang Bình tổ chức thành công Cuộc thi Tìm hiểu mô hình HTX kiểu mới với quy mô lớn, thu hút đông đảo các thành phần tham gia, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức của bà con nông dân địa phương về ý nghĩa và lợi ích kinh tế khi tham gia vào HTX, tổ hợp tác.
Kinh tế HTX đang tạo động lực lớn trong xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế tại huyện Quang Bình |
Hiệu quả thiết thực
Bằng những định hướng, chỉ đạo kịp thời của UBND huyện Quang Bình, tình hình sản xuất kinh doanh của các HTX đi vào ổn định và hiệu quả. 51 HTX của huyện đang có những bước phát triển mạnh mẽ, với thu nhập bình quân của thành viên, người lao động đạt 3-5 triệu đồng/người/tháng.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Trung Thành (xã Bằng Lang) là một điển hình, hiện có 32 thành viên, tổng số vốn hoạt động trên 450 triệu đồng, chuyên cung cấp dịch vụ cung ứng, hỗ trợ giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi; chăn nuôi trâu, bò; trồng cây lâu năm, sản xuất gạch bi... Đến nay, HTX Trung Thành đã có 8 điểm bán hàng, 4 tổ sản xuất với tổng thu nhập 600 triệu đồng/năm.
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX, ông Lê Thành Nam cho biết: "Việc chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới là bước ngoặt của HTX. Sau chuyển đổi, HTX nhận được sự hỗ trợ tích cực về cả kinh tế và định hướng phát triển, giúp sản xuất khoa học, hiệu quả hơn, thị trường tiêu thụ được mở rộng”.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất (xã Tân Bắc) đang có 15 thành viên, hoạt động hiệu quả với tổng doanh thu đạt trên 4 tỷ đồng/năm (kể từ năm 2015), đảm bảo việc làm cho hơn 10 công nhân thường xuyên và 40 công nhân theo thời vụ, với mức lương trung bình 3-4 triệu đồng/người/tháng.
Đại diện UBND huyện Quang Bình cho biết trong những năm gần đây, các HTX đang đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực, tạo sự liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, các HTX đang là “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hàng hóa của địa phương.
Nhật Minh