Xã Ngọc Thanh là địa phương có nền nhiệt độ thấp nên thuận lợi cho cây trồng phát triển. Tuy nhiên, theo các thành viên, nhiệt độ thấp lại chính là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, nấm mốc trong đất phát triển, làm rau dễ bị nhiễm dịch bệnh.
Tự làm phân, thuốc
Nếu như trước đây, người dân thường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để xử lý sâu bệnh thì từ khi tham gia HTX, các thành viên đã kiên nhẫn áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiến tiến và thân thiện môi trường.
Ông Lâm Văn Trung, Giám đốc HTX nông nghiệp Đại Lải, cho biết để có những sản phẩm rau, quả hữu cơ đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm cung cấp ra thị trường, ngoài việc lựa chọn giống, HTX phải đảm bảo tuyệt đối các quy chuẩn an toàn về môi trường, tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc. Trong đó, nguyên tắc “5 không”: Không bón phân hóa học, không phun thuốc bảo vệ thực vật, không phun thuốc kích thích sinh trưởng, không sử dụng thuốc diệt cỏ và không sử dụng sản phẩm biến đổi gen được thành viên đồng loạt thực hiện.
Được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp địa phương, các thành viên đã sử dụng phân ủ theo hướng hữu cơ và tự làm thuốc thảo mộc. Thuốc thảo mộc được làm từ tỏi, ớt, gừng giã nhỏ ngâm với rượu sau đó lấy dung dịch phun phòng trừ sâu bệnh.
Chuối chín được cắt nhỏ trước khi ủ cùng các loại quả khác để tạo phân bón. |
Còn đối với phân bón, ngoài ủ phân từ gia súc gia cầm, HTX còn tận dụng những quả chuối chín, đu đủ chín, mướp đắng ngâm với đường để lên men.
Theo Ban giám đốc HTX, trong thành phần của các loại quả chuối, đu đủ… có rất nhiều các chất dinh dưỡng. Và khi được lên men sẽ tạo thành nhiều chất dinh dưỡng và vi sinh có lợi cho cây rau phát triển.
Có thể thấy, việc tự làm phân, thuốc trừ sâu không hề phức tạp mà có thể tận dụng các vật liệu có sẵn trong tự nhiên giúp hạn chế chất thải phụ phẩm nông nghiệp ra môi trường. Giá thành làm phân, thuốc theo cách này cũng không cao lại phòng sâu bệnh, cung cấp dinh dưỡng rất hiệu quả cho các loại rau ăn lá.
Chính vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, 100% thành viên trong HTX đều áp dụng phương pháp chế tạo thuốc trừ sâu bằng thảo mộc và sản xuất phân bằng các loại quả để phục vụ cho gần 5 ha rau.
“Chỉ sau 20-22 ngày ủ các loại quả lên men, các thành viên sẽ lọc lấy nước phun cho rau. Qua đó, giảm được chi phí đầu vào và quan trọng hơn là tạo ra nông sản sạch, an toàn cho người tiêu dùng và thân thiện với môi trường”, ông Lâm Văn Trung cho biết về lợi ích của việc ủ phân hữu cơ.
Phát triển bền vững
Nhờ việc sử dụng thuốc trừ sâu sinh học được chiết xuất từ thảo mộc và phân hữu cơ nên số lượng sâu hại rau màu giảm đáng kể. Chi phí các thành viên phải đầu tư cho việc phòng trừ sâu bệnh giảm 40-50%. Cách làm này vừa đảm bảo sức khỏe cho thành viên, vừa nâng cao chất lượng môi trường sinh thái.
Diện tích đất đai mà HTX canh tác luôn tơi xốp, không bị nhiễm hóa chất nên bảo đảm cho canh tác lâu dài. Hiện, HTX cũng thực hiện kiểm tra mẫu đất định kỳ theo đúng quy định để bảo đảm điều kiện sản xuất theo hướng bền vững.
Nhận thức rõ lợi ích của sản xuất theo hướng hữu cơ, các thành viên HTX Đại Lải đang hỗ trợ nhau thực hiện theo hướng này. Ban giám đốc HTX cũng chủ động liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Tuy nhiên, điều kiện đặt ra là các thành viên phải tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật canh tác của HTX, không vì sản lượng mà đánh mất chất lượng.
Với 5ha sản xuất rau ăn lá theo hướng hữu cơ, mức tiêu thụ 5-7 tạ/ngày, mỗi ngày, HTX cung cấp 7-9 tạ rau cho hệ thống thực phẩm sạch tại Hà Nội. Sản phẩm của các thành viên cũng được HTX thu mua với giá cao hơn từ 10-12% so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Rau hữu cơ của HTX Đại Lải được thị trường đánh giá cao về chất lượng. |
Ngoài bán hàng theo kiểu truyền thống, HTX còn bán hàng online qua các mạng xã hội, lập trang web để khách hàng thuận tiện đặt hàng. HTX còn có dịch vụ giao hàng tận nơi, đây cũng là hướng đi giúp mở rộng đầu ra ngay cả khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, mô hình sản xuất của HTX Đại Lải đã khẳng định sản xuất theo hướng hữu cơ, giúp rau màu phát triển tốt hơn, môi trường được cải tạo rất rõ rệt khi hệ thống vi sinh vật trong đất sinh sôi trở lại. Đây là cơ sở để tỉnh xác định hướng đi tất yếu giúp sản xuất nông nghiệp Vĩnh Phúc hướng đến nền nông nghiệp bền vững.
Giám đốc Lâm Văn Trung cho biết, việc thành lập HTX Đại Lải ban đầu chỉ mang tính hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, do các sản phẩm đều có chất lượng vượt trội nên tính thương mại rất cao, từ đó thúc đẩy HTX phát triển.
Chia sẻ về hướng phát triển của HTX trong thời gian tới, ông Trung cho biết trước mắt, HTX tập trung vào sản xuất các mặt hàng rau củ quả chủ lực của đơn vị cung cấp cho thị trường Hà Nội và trong tỉnh. Bên cạnh đó, HTX sẽ tăng cường giới thiệu sản phẩm đến các khu công nghiệp, trường học, bệnh viện và khách sạn kết hợp với mở rộng vùng sản xuất để nâng cao thu nhập cho thành viên và tận dụng tiềm năng thế mạnh về điều kiện khí hậu của địa phương.
Tùng Lâm