Hữu Lũng đang tập chung khai thác thế mạnh nông nghiệp để tạo vùng sản xuất tập chung với các sản phẩm chủ lực, có thương hiệu như vùng trồng táo đại tại các xã Cai Kinh, Nhật Tiến, Tân Thành, Đồng Tân); vùng trồng cam, bưởi Diễn tại các xã Nhật Tiến, Hồ Sơn, Minh Sơn; vùng trồng na tại xã Cai Kinh…
Nhiều chuyển biến trong sản xuất
Đến nay, huyện đã xây dựng nhãn hiệu tập thể cho 3 sản phẩm gồm hoa quả tươi, măng tre Bát độ, nem nướng, đồng thời có 5 sản phẩm được đánh giá, phân hạng theo tiêu chuẩn OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) là na Cai Kinh, rượu men lá Mỏ Heo đạt tiêu chuẩn 4 sao; na Yên Sơn, na Hòa Lạc, nem nướng Khôi Loan đạt tiêu chuẩn 3 sao.
Nông nghiệp Hữu Lũng đang có chuyển biến tích cực với sự tham gia của các HTX. (Ảnh TL) |
Theo Phòng NN&PTNT huyện Hữu Lũng, cùng với việc hình thành vùng sản xuất tập trung, huyện đã quan tâm phát triển sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái.
Cụ thể, huyện đã chú trọng phát triển các HTX nông nghiệp nhằm thực hiện liên kết với người dân, doanh nghiệp góp phần tạo thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, toàn huyện có 25 HTX hoạt động, tăng 19 HTX so với năm 2015.
Trong lĩnh vực trồng trọt, có thể kể đến điển hình HTX nông nghiệp Cửu Long (xã Bình Yên). Quy trình sản xuất của HTX được áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, với quy định “4 đúng” nghiêm ngặt trong sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, gồm đúng loại, đúng liều, đúng cách, đúng thời gian.
Anh Phạm Văn Tiến, thành viên liên kết của HTX, chia sẻ với sự đồng hành của HTX, anh cùng các hộ thành viên từ bỏ hoàn toàn thói quen lạm dụng hóa chất, chuyển sang canh tác theo quy trình VietGAP, hữu cơ, thân thiện môi trường, đảm bảo lợi ích bền vững.
“So với trước đây, lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chúng tôi sử dụng giảm 55 - 70% mỗi vụ nhờ sản xuất khoa học. Không chỉ giảm thiểu chi phí, việc sản xuất sạch hơn giúp chúng tôi gia tăng năng suất chất lượng sản phẩm, giá trị canh tác tăng 15 - 30%”, anh Tiến nói.
Thống kê cũng chỉ ra, với sự tham gia tích cực của các HTX nông nghiệp, giá trị sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã gia tăng mạnh trong 5 năm qua, trung bình trên 100 triệu đồng/ha/năm. Tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp giảm đáng kể.
Cần thêm sự đồng hành của địa phương
Hiệu quả của các HTX cũng đang góp phần thúc đẩy lĩnh vực chăn nuôi huyện Hữu Lũng phát triển theo hướng gia tăng giá trị, hình thành liên kết chặt chẽ, đảm bảo an toàn sinh thái. Điển hình như HTX thủy sản sản Cấm Sơn đang thu hút 12 thành viên.
Các HTX đang là cầu nối liên kết nông dân, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. (Ảnh TL) |
Thay vì nuôi một số loài cá bản địa, HTX Cấm Sơn chuyển sang nuôi cá tầm thương phẩm, vì đây là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, những điều kiện về độ cao, nhiệt độ, nguồn nước tại địa phương có thể đáp ứng những yêu cầu để phát triển giống cá này.
Trung bình mỗi năm, sản lượng thủy sản khai thác của HTX đạt từ 10 - 20 tấn, doanh thu đạt từ 2 - 3 tỷ đồng, đem lại thu nhập ổn định cho các thành viên. HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 5 - 10 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân hơn 7 triệu đồng/người/tháng.
Chìa khóa cho những thành công của HTX Cấm Sơn là giữ môi trường nước luôn sạch. Theo đó, trong quá trình nuôi trồng, HTX tính toán kỹ lưỡng lượng thức ăn chăn nuôi để tránh dư thừa, lãng phí. Hệ thống lồng nuôi được vệ sinh định kỳ, các chất thải cũng thường xuyên được xử lý vi sinh, qua đó tránh làm bẩn nguồn nước.
Được biết, phát triển kinh tế hợp tác là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp nông thôn huyện Hữu Lũng. Thời gian qua, huyện đã hỗ trợ, hướng dẫn việc thành lập, tổ chức hoạt động của các HTX.
Trong 5 năm qua, nhiều HTX trên địa bàn huyện đã liên kết sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm bước đầu mang lại hiệu quả khả quan, điển hình như mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ măng Bát độ của HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Quyết Thắng; mô hình trồng cây có múi sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt của các HTX xã Tân Thành, Cai Kinh…
Bên cạnh đó, hàng năm, huyện dành trên 40% kinh phí sự nghiệp nông nghiệp để thúc đẩy các mô hình liên kết, tổ chức 3 hoặc 4 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất cho khoảng 200 thành viên HTX.
Ông Lương Văn Bính, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, đánh giá các HTX hiện nay đều tích cực đầu tư theo chiều sâu, đổi mới cơ sở vật chất hoạt động hiệu quả. Đồng thời, các HTX còn hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho các thành viên khi gặp khó khăn, tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội, nhất là khu vực nông thôn.
Thời gian tới, các cơ quan liên quan trên địa bàn huyện Hữu Lũng tiếp tục tham mưu cho UBND huyện quan tâm, hỗ trợ HTX nông nghiệp. Từ đó, tạo điều kiện cho HTX nông nghiệp phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Nhật Minh