Có thể coi những nữ giám đốc HTX đó là những người phụ nữ hai vai, một bên vai việc nước, một bên vai việc nhà. Khi lựa chọn khởi nghiệp với hình thức HTX, họ đã xác định những giá trị mang lại cho thành viên là lợi nhuận lớn nhất, nâng đỡ những người yếu thế trong cộng đồng cùng phát triển.
Liên minh HTX Việt Nam đánh giá cao hiệu quả của các HTX do phụ nữ làm lãnh đạo. |
"Hoa" vẫn nở trên đất cằn sỏi đá
Nếu như phụ nữ được ví như những bông hoa, thì chị em phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) là một trong những loài hoa đặc biệt. Ngay giữa điều kiện khắc nghiệt nhất của thiên nhiên, những hạn chế của môi trường, đời sống, giáo dục..., những bông hoa ấy vẫn mạnh mẽ vươn lên, rực rỡ, tỏa hương sắc. Đó là câu chuyện của những nữ thủ lĩnh của HTX dệt lanh Cán Tỷ (xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ, Hà Giang).
Hơn 10 năm về trước, ở nơi địa đầu Tổ quốc bao quanh là những cao nguyên núi đá hiểm trở, điều kiện xã hội chưa phát triển..., nhiều phụ nữ DTTS hài lòng với thiên chức làm vợ, làm mẹ, sáng thì ngược núi xuyên rừng làm nương, rẫy, chiều về lại tất bật dệt vải, chuẩn bị cơm tối, chăm đàn gia súc.
Không bằng lòng với cuộc sống như vậy, năm 2010, 29 phụ nữ người Mông cùng nhau liên kết, thành lập HTX dệt lanh Cán Tỷ do chị Giàng Thị Say làm Giám đốc, chị Sùng Thị Máy làm Phó giám đốc. Họ chọn dệt lanh chứ không phải lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, bởi bao đời nay, dệt lanh không chỉ là nghề truyền thống của phụ nữ người Mông, mà còn là giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc của những con người trên cao nguyên đá Đồng Văn.
Chị Sùng Thị Máy, Phó giám đốc HTX dệt lanh Cán Tỷ đang giới thiệu sản phẩm của Hà Giang hội chợ OCOP. |
Điều đặc biệt ở những tấm vải thổ cẩm này là chế tác hoàn toàn thủ công, từ bước gieo trồng lanh, thu hoạch, tước vỏ, giã sợi đến nhuộm vải, dệt vải, thêu hoa văn… Ban đầu, bà con đồng bào chưa hiểu biết về thị hiếu tiêu dùng nên các sản phẩm còn đơn điệu nhưng khi được tập huấn dạy nghề, các thành viên HTX bước đầu bắt nhịp với thị trường, cải tiến mẫu mã, đa dạng sản phẩm như tranh treo tường, ga giường, ga gối, quần áo dân tộc…
Với sư nỗ lực không ngừng của các thành viên HTX và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, HTX bắt đầu gặt hái được thành công. Tiêu biểu như năm 2020, HTX Cán Tỷ có 3 sản phẩm đạt OCOP 4 sao là ví kính dệt lanh, ví dài dệt lanh và ba lô dệt lanh nhỏ. Thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và xúc tiến xuất khẩu nhiều đơn hàng sang Pháp, Anh, Đức. Trung bình các sản phẩm tại đây có giá dao động từ 60.000 đồng – 1.500.000 tùy từng kích thước, chủng loại. Hiện nay, HTX giải quyết việc làm cho các thành viên và nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương với thu nhập trung bình 3-5 triệu đồng/tháng.
Sản phẩm thổ cẩm mang đậm đà bản sắc của người dân tộc Mông. |
Phó giám đốc HTX Sùng Thị Máy cho biết cuộc đời chị đã thực sự thay đổi khi tham gia HTX và có thể giúp nhiều phụ nữ người Mông thoát nghèo: “Mình nói tiếng Kinh chưa sõi lắm nhưng được đi học, đi hội chợ nhiều nơi lắm. Đi học về rồi dạy lại cho bà con, động viên mọi người chăm chỉ làm việc, không phải ăn mèn mén trừ bữa nữa, có tiền cho con đi học”.
Trải qua chặng đường hơn 10 năm đầy gian nan, giờ đây những người phụ nữ người Mông ở Quản Bạ đang dần khẳng định vị trí của mình trong gia đình và xã hội, góp mình vào phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi.
Năm 2020, HTX Tài Hoan xuất khẩu thành công 2 lô miến dong sang Cộng hòa Séc. |
Năm 2020 được coi là năm khó khăn đối với ngành nông nghiệp thì những doanh nghiệp, HTX như HTX miến dong Tài Hoan được coi như “ngôi sao sáng” khi bứt phá xuất khẩu thành công nhiều lô hàng sang châu Âu. Có được thành công ấy, phải kể đến nỗ lực của nữ giám đốc HTX Nguyễn Thị Hoan, dân tộc Tày ở xã Côn Minh (huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn). Từ một cơ sở sản xuất quy mô gia đình, chị Hoan tập hợp người dân, thành lập HTX với quy mô 2 xưởng sản xuất miến tự động, đưa sản phẩm miến dong truyền thống của người Tày lên kệ siêu thị, "phủ sóng" trên các sàn thương mại điện tử.
“Bản thân mình phải cố gắng hơn người khác rất nhiều, phải học từ cách quản lý, vận hành HTX; kiến thức ATVSTP, ATLĐ; cách vận hành dây chuyền sản xuất; kết nối doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ mở rộng thị trường; thủ tục xuất khẩu… Tất cả đều phải học. Nhiều thất bại đã phải trả giá bằng tiền nhưng may mắn là bản thân chưa bao giờ bỏ cuộc và thành viên vẫn đồng hành cùng mình”.
Giám đốc HTX Tài Hoan Nguyễn Thị Hoan kiểm tra sản phẩm. |
Thủ lĩnh trẻ kết nối tương lai
Nếu như chị Máy, chị Hoan là hai trong số nhiều nữ thủ lĩnh ở vùng DTTS vượt qua hoàn cảnh để thành công thì ở những vùng đất khác trên mọi miền Tổ quốc, những thế hệ nữ giám đốc HTX 8X, 9X cũng đang ấp ủ những hướng đi "ngược đời", ý tưởng táo bạo về một nền nông nghiệp tử tế.
Bỏ phố về quê, Bùi Thị Duyên (1988), Giám đốc HTX Nông dược Gotafarm (Thụy Văn, Thái Thụy, Thái Bình) mạnh dạn đổ vốn, biến những khu đất bỏ hoang thành vùng nguyên liệu bạc tỷ. Cây dược liệu được trồng theo phương pháp hữu cơ, áp dụng nhiều kỹ thuật xử lý vi sinh để cải tạo và bổ sung dinh dưỡng cho đất.
Có vùng nguyên liệu sạch, sản phẩm chế biến, HTX lần đầu “mang chuông đi đánh xứ người” với dự án Phát triển cây gia vị bạc hà & các sản phẩm chế biến từ bạc hà, đạt giải tại cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn toàn quốc năm 2020.
Chọn HTX là mô hình khởi nghiệp, chị Bùi Thị Duyên có thể giúp đỡ nhiều người lao động. |
Xác định việc chia sẻ hạnh phúc thông qua thực phẩm và giáo dục là con đường đúng đắn, HTX có cách tiếp thị khá độc đáo khi mở các tour trải nghiệm cho trẻ nhỏ về hành trình của cây bạc hà vào các hội trại, trường học. Điều này có ý nghĩa, ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em sẽ được trải nghiệm, giáo dục về nông nghiệp hữu cơ, bảo vệ môi trường theo quy tắc 3R (tái sử dụng – tái chế - trả lại cho nhà sản xuất). Những thế hệ trẻ trong tương lai sẽ là chủ nhân của nền nông nghiệp tử tế.
Cũng thuộc thế hệ 8X, Giám đốc HTX 3Tfarm (huyện Cao Phong, tỉnh Hoa Bình) Vũ Thị Lệ Thủy gây ấn tượng với ý tưởng độc đáo về mô hình du lịch sinh thái tại vườn cam. Với 25 thành viên trên tổng diện tích canh tác 43,9ha, HTX đang sở hữu những những "đồi vàng” trị giá hàng triệu USD.
Cam Cao Phong vốn có mùa vụ, hết mùa sẽ không còn sản phẩm đến bán. Do đó, HTX đã liên kết với doanh nghiệp, chế biến các sản phẩm từ cam như cider cam (nước cam lên men), bánh quy cam, mứt vỏ cam mặn, ngọt, trà cam quế…
Giám đốc HTX 3Tfarm Vũ Thị Lệ Thủy đang thu hoạch cam, chuẩn bị chuyển cho khách. |
Chưa dừng lại ở đó, nữ giám đốc HTX còn tham vọng xây dựng vườn cam sinh thái, nơi học tập và trao đổi kinh nghiệm của thực tập sinh, mở tour du lịch trải nghiệm “một ngày làm nông dân” cho các gia đình, trẻ em vào những ngày cuối tuần, thực hành chế biến các sản phẩm từ cam…
Dù là người Kinh hay người DTTS, dù ở vùng núi hay đồng bằng thì điểm chung làm nên thành công của các nữ giám đốc HTX dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, bản lĩnh trong mọi hoàn cảnh.
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 có hiệu lực từ ngày 3/3/2021. Trong đó, nổi bật là chỉ tiêu tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, HTX đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. |
Xuân Mai