HTX Xuân Trường nổi lên là đơn vị kinh tế hợp tác hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh Nam Định bởi thành viên của HTX đều là thanh niên. Việc HTX liên kết với doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào thực tiễn thành công đã góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.
Xử lý rác khoa học
Sau khi thành lập, HTX Xuân Trường đã tích cực tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức và chủ động thu gom rác thải sinh hoạt. Giám đốc HTX, anh Trần Văn Kiều, cùng các thành viên đã tìm tòi, nghiên cứu phương pháp xử lý rác thải tại chỗ cho người dân.
Để thuận tiện cho việc nghiên cứu, HTX đã liên kết với công ty Tân Thiên Phú (Nam Định) để được hỗ trợ về vốn, công nghệ. Sau thời gian hợp tác, lò đốt rác Losiho đã ra đời.
Lò đốt có các cửa, van điều chỉnh áp suất, gió, không khí. Nhờ việc kiểm soát và cung cấp oxy trong quá trình cháy được điều khiển bằng việc đóng mở các cửa cấp gió bên dưới hoặc bên trên thân lò nên lò đốt tự nhiệt phân và sinh năng lượng để tự đốt cháy.
“Việc tự sinh ra năng lượng để đốt cháy rác thải giúp lò đốt không phải sử dụng nguồn năng lượng nào như dầu, điện hay khí ga… nên tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường”, Giám đốc Trần Văn Kiều cho biết.
Ưu điểm lò đốt rác là dễ dàng vận chuyển, lắp đặt nhanh gọn; kích thước nhỏ gọn, an toàn cho người sử dụng. Toàn bộ mặt bằng cho việc đặt một lò đốt rác khoảng 100 m2 nên tiết kiệm chi phí đầu tư. Mỗi ca vận hành chỉ cần 2 nhân công, nhưng cho công suất 300 - 500 kg/giờ.
Sau khi rác được đốt thành tro xỉ, HTX sàng lọc để làm phân bón ruộng hay phụ gia sản xuất vật liệu gạch không nung. Phần không tái sử dụng được, HTX mới áp dụng phương pháp chôn lấp, nhưng khối lượng không đáng kể.
Công nghệ này có thể thay thế hoàn toàn phương pháp chôn lấp hoặc đốt lộ thiên, không phát sinh mùi và ô nhiễm nguồn nước ngầm do quá trình tích tụ rác tại khu vực nông thôn.
Mô hình lò đốt rác của HTX Xuân Trường |
Năng động, bền vững
Với giá thành khoảng 600 - 650 triệu đồng, ngoài xã Xuân Tiến, lò đốt rác này đã được lắp đặt tại các xã Xuân Trung (Xuân Trường); Hải Xuân, Hải Sơn, Hải Thanh, Hải Tây (Hải Hậu) và một số tỉnh, thành phố khác như Hà Nội, Phú Thọ… Hàng ngàn tấn rác thải sinh hoạt cũng được xử lý theo công nghệ này.
Với vai trò dẫn dắt thành viên, HTX chịu trách nhiệm tìm hiểu thị trường, phát triển các ý tưởng sáng tạo thành các đề tài khoa học công nghệ, từ đó tổ chức tư vấn cung cấp cho khách hàng (các làng nghề, các trang trại, gia trại…) theo dịch vụ thỏa thuận.
Ngoài công nghệ xử lý rác thải, HTX đã liên kết với công ty TNHH An Thuận Phát (Nam Định) cho ra đời máy đóng bịch nấm. Máy có công suất 800 bịch/ giờ, chỉ cần 3 người vận hành và có thể sản xuất liên tục.
Anh Trần Sơn Ca (xóm 6, xã Xuân Tiến, Xuân Trường) là một trong những chủ trang trại trồng nấm được HTX tư vấn, hỗ trợ phát triển nghề trồng nấm mèo.
Sử dụng máy đóng bịch nấm giúp anh Ca tiết kiệm được tiền thuê 20 nhân công đóng bịch nấm. Chi phí giảm giúp thu nhập từ trang trại trồng nấm của anh Ca tăng đáng kể.
Việc HTX liên kết với doanh nghiệp thực hiện các đề tài khoa học và ứng dụng các đề tài đó vào thực tiễn không chỉ thể hiện vai trò hạt nhân của HTX trong sản xuất, nghiên cứu mà còn góp phần giải quyết những những khó khăn của chính HTX.
Theo Ban Giám đốc HTX, nguồn vốn góp của các thành viên có hạn, việc tiếp cận nguồn vốn từ tín dụng cũng hạn chế, trong khi đó, để thực hiện thành công một đề tài nghiên cứu khoa học cần nguồn vốn không nhỏ.
Việc HTX liên kết cùng doanh nghiệp không chỉ thuận lợi trong việc hỗ trợ HTX về kinh nghiệm mà còn giải quyết khó khăn về vốn, từ đó biến lý thuyết thành hiện thực.
Như Yến