Cần nâng cao nhận thức cho người dân về công tác ATVSLĐ |
Hiện nay, điều kiện lao động trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được cải thiện đáng kể, nhưng nông dân vẫn thường xuyên tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), vận hành máy móc, nông cụ...
Tai nạn do chủ quan
Điều đáng nói, ATLĐ trong sản xuất nông nghiệp vẫn chưa được người nông dân quan tâm. Hậu quả là hàng trăm vụ tai nạn lao động (TNLĐ) đáng tiếc đã xảy ra khi vận hành máy tuốt lúa, máy xát gạo, máy làm đất; bị thương do giẫm phải vật sắc nhọn, trâu, bò húc ngã khi thu hoạch cây ăn quả; nhiễm độc bước đầu do sử dụng thuốc BVTV không đúng cách... và tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật lâu dài.
Vừa qua, trong khi làm đồng, chị Hòa, thôn 3, xã Thọ Hải (Thọ Xuân) bị mảnh chai thuốc trừ sâu đâm thủng bàn chân phải đến cơ sở y tế tiêm phòng uốn ván, điều trị bằng thuốc kháng sinh dài ngày. Chị cho biết: “Mảnh vỡ nằm khuất trong bụi cỏ, không nhìn rõ nên tôi giẫm phải. Do không đi ủng nên vết thương khá sâu, mất nhiều máu. Từ đó, mỗi lần ra đồng tôi luôn thấy không an toàn”.
Ông Thắng, xã Thạch Lâm (Thạch Thành) cho biết: Dịp thu hoạch lúa vừa rồi, đang tuốt lúa thì trời đổ mưa, khi mưa tạnh, ông vận hành tiếp máy tuốt, không ngờ bị điện giật do dây điện bị hở, ngấm nước, rò điện. Rất may có người phát hiện kịp thời cứu ông thoát nạn. Tuy nhiên, da bàn tay bị hoại tử khiến ông phải điều trị hơn tháng tại Bệnh viện Đa khoa Thạch Thành. Hiện sức khỏe ông vẫn chưa hoàn toàn bình phục.
Những trường hợp nêu trên nằm trong số không ít người dân ở Thanh Hóa bị TNLĐ trong sản xuất nông nghiệp do chủ quan. Bên cạnh đó, việc áp dụng các biện pháp ATLĐ trong nông nghiệp bằng kinh nghiệm cũng là một nguyên nhân dẫn đến TNLĐ. Đặc biệt, do nhận thức còn hạn chế và chạy theo lợi nhuận, một số hộ nông dân sẵn sàng lạm dụng thuốc BVTV, không tuân thủ thời gian cách ly cây trồng, đã làm cho tình trạng mất an ATVSLĐ diễn ra ở mức độ nguy hiểm hơn.
Hạn chế thấp nhất mức độ rủi ro
Điều tra về hiện trạng lưu thông và sử dụng hóa chất BVTV của cơ quan chức năng cho thấy, hơn 70% số hộ nông dân mua thuốc ở thị trường tự do và trên 90% số hộ sử dụng thuốc không có hướng dẫn và không hiểu biết về độc hại của các loại thuốc sử dụng. Đây là một trong những nguyên nhân làm gia tăng ô nhiễm môi trường và làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng, kể cả sức khỏe của chính người sử dụng thuốc.
Ông Hoàng Ngọc Trung - Trưởng Phòng Việc làm - ATLĐ (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, đa số các hộ dân chủ yếu lao động theo hình thức hộ gia đình, cho nên khi xảy ra các vụ tai nạn, phần lớn người dân không khai báo với cơ quan chức năng. Để nâng cao nhận thức cho người dân trong vấn đề về ATLĐ, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức một số lớp tập huấn về sử dụng máy móc trong nông nghiệp cho các hội viên nông dân; đồng thời thường xuyên tuyên truyền về vấn đề ATVSLĐ tới đông đảo người dân. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại vẫn chưa cao, do các hoạt động trên mới chỉ được tổ chức ở quy mô nhỏ lẻ và phần lớn người dân không quan tâm thực hiện.
Để hạn chế TNLĐ trong lĩnh vực nông nghiệp, thiết nghĩ, ngoài việc nâng cao nhận thức cho người nông dân, các cơ quan, ban, ngành cần xây dựng và bổ sung, hoàn thiện các chính sách pháp luật về ATLĐ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực này thông qua việc tổ chức tuyên truyền, tập huấn sử dụng máy móc trang thiết bị; tổ chức, thanh tra, kiểm tra ATVSLĐ đối với nông nghiệp, nông dân nhằm hạn chế thấp nhất mức độ rủi ro trong lao động, sản xuất.
Trần Hằng