Chiều 14/9, thường trực Liên minh HTX Việt Nam dưới sự chủ trì của Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo đã có buổi làm việc với đoàn cán bộ của Bộ KH&CN về cơ chế, chính sách ưu tiên hỗ trợ cho HTX, Liên minh HTX trong hoạt động ứng dụng KH&CN mới.
5 nhiệm vụ trọng tâm
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Vũ Quang Phong - Giám đốc Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường (Liên minh HTX Việt Nam), cho biết trong giai đoạn 2015 - 2017, các đơn vị triển khai hoạt động KH&CN được Liên minh HTX Việt Nam giao triển khai 10 đề tài khoa học xã hội (KHXH), 7 đề tài KH-CN, 6 nhiệm vụ khoa học và hoạt động khoa học khác.
Nội dung các đề tài, nhiệm vụ tập trung vào nghiên cứu các giải pháp, mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ gồm cả lý luận và thực tiễn, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho khu vực KTHT, HTX.
Dù đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên hoạt động phát triển KH&CN trong khu vực KTHT, HTX còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu là nền tảng, động lực cho phát triển KTHT, HTX.
Trong thời gian tới, Liên minh HTX Việt Nam đề nghị Bộ KH&CN phối hợp triển khai xây dựng 5 nhiệm vụ trọng tâm để đẩy mạnh ứng dụng KH&CN cho các HTX.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Cụ thể, hỗ trợ xây dựng mỗi tỉnh một mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của Quốc gia hoặc địa phương; đầu tư nâng cấp, mở rộng hoạt động phân tích và kiểm tra chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản và thủ công mỹ nghệ của Liên minh HTX Việt nam nhằm đáp ứng nhu cầu kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng, VSATTP cho khu vực KTHT, HTX; nâng cao hiệu quả hỗ trợ hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào sản xuất kinh doanh cho khu vực KTHT, HTX; thí điểm xây dựng chương trình hỗ trợ KH&CN cho HTX tại các vùng nông thôn, miền núi do các trí thức trẻ khởi nghiệp thành lập; nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý HTX nhằm đáp ứng yêu cầu, tiềm năng, cơ hội và thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong 5 nhiệm vụ trọng tâm, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Lê Văn Nghị đề nghị Bộ KH&CN tập trung cho hai vấn đề nóng hiện nay.
Một là phát triển, bảo tồn, di thực chuyển giao một số giống cây trồng vật nuôi chủ lực đặc sản quốc gia và một số giống mới có năng suất và chất lượng cao. Đồng thời hỗ trợ chế biến, chiết xuất sâu, công nghệ cao để tăng giá trị sản phẩm, tạo đầu ra bền vững, ổn định.
Hai là xây dựng các mô hình HTX số, số hóa các thông tin về các sản phẩm của HTX để tạo niềm tin cho khách hàng và đúng với chủ trương, chính sách xây dựng Chính phủ 4.0 của Đảng, Nhà nước.
Đề nghị, trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tổ chức một diễn đàn kết nối cung cầu riêng cho các sản phẩm của Liên minh HTX để đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm của HTX. |
Điều kiện tiên quyết cho xây dựng chuỗi
Trả lời các kiến nghị của Liên minh HTX Việt Nam, ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ KH&CN, cho biết Bộ KH&CN sẵn sàng hỗ trợ Liên minh HTX Việt Nam trong việc đẩy mạnh ứng dụng KH-KT vào sự phát triển của các HTX.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhận định việc ứng dụng KH&CN cho HTX sẽ giúp các bên tiết kiệm được rất nhiều, cả về thời gian lẫn kinh phí.
Lấy ví dụ về sản phẩm sâm Ngọc Linh, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, Bộ KH&CN đã xây dựng trung tâm bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh. Trung tâm này có thể xác định được các loại sâm chính hãng chỉ sau 2 giờ xét nghiệm với kinh phí 200.000 đồng/lượt, thay vì đợi 2 tuần và mất 2 triệu đồng kinh phí mỗi lượt như hiện nay.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng cho biết hiện nay, Bộ KH&CN đã và đang xây dựng các đề án khoa học hỗ trợ Liên minh HTX Việt Nam.
Cụ thể, với KHXH, Bộ tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ Liên minh HTX Việt Nam. Về KH-KT, Bộ đang có 10 chương trình phát triển như chương trình bảo tồn giống gen, chương trình đổi mới công nghệ, chương trình phát triển thương hiệu…
Đặc biệt, Bộ đang xây dựng chương trình nâng cao chất lượng sản phẩm, bao gồm cả truy xuất nguồn gốc bằng ứng dụng Blockchain - một chương trình được thế giới công nhận thay vì mã vạch hay QR code hiện nay - đánh dấu bước tiến mới để đưa sản phẩm Việt Nam vươn ra thế giới.
Dựa trên cơ sở này, Thứ trưởng Trần Văn Tùng hy vọng sắp tới, Bộ KH&CN và Liên minh HTX Việt Nam sẽ ký kết một biên bản hợp tác giữa các bên.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo hoan nghênh những đề án ứng dụng khoa học mà Bộ KH&CN đã xây dựng, đẩy mạnh ứng dụng cho Liên minh HXT Việt Nam.
Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo nhận định HTX muốn phát triển bền vững thì cần phải gắn với chuỗi giá trị. Nhưng muốn gắn với chuỗi giá trị thì cần phải ứng dụng KH-CN vào HTX, từ ứng dụng KH-CN trong chọn giống, nuôi trồng, sơ chế cho đến việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay người dân đang lúng túng trong việc tiếp cận KH-CN.
Do đó, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo hy vọng Bộ KH&CN và Liên minh HTX Việt Nam sẽ ký kết biên bản hỗ trợ các HTX về ứng dụng KH&CN với các điều khoản chi tiết, cụ thể.
Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cũng đề nghị trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tổ chức một diễn đàn kết nối cung cầu riêng cho các sản phẩm của Liên minh HTX để đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm của HTX.
Hồng Nhung