Thành phần curcumin được các nhà khoa học chứng minh đã đưa củ nghệ thành “củ vàng” khi vượt qua khỏi những bài thuốc truyền thống, những món ăn dân gian mà từ bao đời nay nhân dân ta vẫn dùng như một dược liệu thông dụng và trở thành sản phẩm quý hiếm. Các thành viên HTX Vân Di lấy đó làm niềm tin để tiếp tục đầu tư cho chế biến, nhằm cho ra nhiều sản phẩm hơn, để không chỉ xuất khẩu mà còn bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Sạch từ nguyên liệu
Để có sản phẩm tốt phải có nguyên liệu sạch. Chính vì vậy, HTX Vân Di chú trọng sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định của các cơ quan nhà nước. Nguyên liệu đầu vào được chọn lọc và chăm sóc kỹ lưỡng từ giống, đất đai, quá trình gieo trồng, thu hoạch, không dùng phân bón và các chất hóa học.
Chị Mai Thị Vân, Giám đốc HTX cho biết, trồng nghệ không dùng phân thuốc hóa học để mang nguồn thực phẩm sạch cho mọi người. Đây là cách làm nghe nói thì cũ nhưng cần một sự am hiểu rất sâu, rộng về tự nhiên, về hệ sinh thái, tổng hợp nhiều biện pháp. Người trồng phải hiểu được đối tượng sâu bệnh để có cách phòng ngừa, xử lý và hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng như các loại phân bón hóa học.
Thay vào đó, để có đủ lượng phân hữu cơ cung cấp cho nghệ, HTX hướng dẫn người dân tận dụng hoặc thu mua phân chuồng, các phụ phẩm nông nghiệp về ủ. Công đoạn ủ phân là rất cần thiết trước khi trộn với đất để trồng nghệ. Bởi vì nếu không xử lý, trong phân chuồng tươi còn có nhiều hạt cỏ dại, nhiều ấu trùng, xạ khuẩn, vi khuẩn và tuyến trùng gây bệnh cho cây.
“Ủ phân vừa có tác dụng sử dụng nhiệt độ tương đối cao trong quá trình phân huỷ chất hữu cơ để tiêu diệt hạt cỏ dại và mầm mống côn trùng, bệnh cây... đồng thời, thúc đẩy quá trình phân huỷ chất hữu cơ, đẩy nhanh quá trình khoáng hoá để khi bón vào đất phân hữu cơ nhanh chóng cung cấp chất dinh dưỡng cho cây”, chị Vân cho biết.
Áp dụng quy trình hữu cơ giúp việc trồng nghệ thân thiện với môi trường. |
Sau vài ngày ủ, HTX đem trộn với đất rồi phục vụ xuống giống. Cũng theo tính toán của HTX, chi phí cho việc trồng cây nghệ bón theo phương pháp canh tác hữu cơ chuyên canh này tốn kém hơn trồng và sử dụng phân bón hóa học thông thường.
Tuy nhiên, sản phẩm làm ra từ phương pháp canh tác hữu cơ ngoài việc không ô nhiễm nguồn đất, nước thì còn tuyệt đối an toàn với sức khỏe người tiêu dùng. Thêm vào đó, nhờ có phương pháp canh tác hữu cơ, người trực tiếp trồng nghệ yên tâm làm việc trong môi trường an toàn, không có hóa chất, từ đó giúp nâng cao sức khỏe.
Để quản lý tốt vùng nguyên liệu, HTX phân chia các nhóm và có những cam kết ràng buộc với thành viên và người dân. Qua đó, các nhóm, thành viên và người dân sẽ tự giám sát, học hỏi lẫn nhau về quy trình, kỹ thuật bảo đảm sản phẩm của cả tổ sẽ được HTX thu mua với giá trị cao nhất.
Với sự hướng dẫn của HTX, sau một vụ trồng nghệ, các hộ đã cơ bản nắm được kỹ thuật, phương pháp trồng và chăm sóc nghệ hữu cơ để áp dụng vào thực tế sản xuất. Vụ trồng tiếp theo, các hộ cần mở rộng diện tích sẽ được HTX khuyến cáo theo năng lực bao tiêu. HTX cũng cùng ngành nông nghiệp địa phương đồng hành cùng người dân trong việc chuyển giao kỹ thuật, theo dõi chặt chẽ quá trình phát triển của cây nghệ để đạt năng suất cao nhất, tạo thành vùng nguyên liệu chất lượng, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Đến chế biến và đưa ra thị trường
Khi đã bảo đảm được nguồn nguyên liệu, HTX đầu tư nhà xưởng và thiết bị hiện đại để cho ra đời các dòng sản phẩm chất lượng cao nhất, đảm bảo sự an toàn và hiệu quả cao cho người tiêu dùng.
“Chúng tôi đầu tư hàng trăm triệu đồng trang bị máy móc chế biến, như: 2 máy xay, vắt liên hoàn, 3 máy sấy, máy xay tay, phòng sấy điều hòa...”, chị Mai Thị Vân cho biết.
Giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường trong chế biến nông sản, HTX còn xây dựng hệ thống xử lý chất thải với diện tích phù hợp. Nước thải khi chế biến được thu gom vào bể điều hoà, bể xử lý sinh học, bể xử lý hóa chất, bể lắng rồi chuyển ra bể thuỷ sinh.
Các bước lọc sẽ giúp nước thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Mặt khác, lớp cặn thải được tái sử dụng bằng cách trộn với bã củ nghệ rồi ủ với chế phẩm vi sinh để làm phân bón nên vừa tiết kiệm vừa không làm ô nhiễm môi trường.
HTX giới thiệu sản phẩm tinh bột nghệ tại một hội nghị kết nối cung cầu của tỉnh Quảng Bình. |
Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm, sản phẩm bán ra thị trường chưa được nhiều người biết đến, màu sắc chưa được bắt mắt. Tuy nhiên, vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, học hỏi từ những người đi trước, đến nay, sản phẩm của HTX đã được tiêu thụ tại các cửa hàng phân phối ở một số tỉnh, thành, như: TP. Hồ Chí Minh, Thừa Thiên-Huế, TP. Đà Nẵng, TP. Hà Nội... và bán trực tuyến.
Trung bình mỗi năm, HTX sử dụng khoảng 60-70 tấn nghệ tươi, sản xuất khoảng gần 4 tấn tinh bột nghệ. HTX thu mua từ 700-800 nghìn đồng/tạ nghệ tươi, khi sản xuất thành tinh bột bán với giá từ 30 triệu đến 50 triệu/tấn. Nhờ sấy bằng máy, tinh bột nghệ thành phẩm có màu sáng, đẹp, độ ẩm ổn định, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo quản trong thời gian lâu hơn tinh bột nghệ sản xuất theo phương pháp thủ công.
Nói về hướng phát triển sắp tới, Giám đốc Mai Thị Vân cho biết HTX sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống máy móc để phát triển các sản phẩm, đồng thời sẽ xây dựng hệ thống nhà xưởng khang trang hơn. HTX sẽ nỗ lực sản xuất nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Như Yến