Tâm An đang là HTX đi đầu của huyện Thường Tín trong phát triển sản xuất cây dược liệu. Những năm qua, nhờ liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ, thành viên HTX đã được tiếp cận với phương thức sản xuất an toàn, giàu khoa học và bao tiêu 100% sản phẩm. Đến nay, HTX Tâm An vừa trồng, vừa chế biến nhiều sản phẩm thảo dược như: Trà chùm ngây, trà cà gai leo, bột rau củ sấy lạnh... uy tín trên thị trường mang thương hiệu Tâm An.
Mô hình nông nghiệp “lười”
Đến thăm HTX Tâm An vào một ngày đầu tháng 6, nghe câu chuyện của nữ Giám đốc Nguyễn Thị Thu và trông thấy nụ cười lấp lánh của các thành viên đang hăng say sản xuất mới thấy vùng đất trũng tưởng như bỏ đi nay thực sự đã... nở hoa dưới bàn tay con người.
Chị Nguyễn Thị Thu tập huấn nâng cao hiểu biết về dược liệu, cách gieo trồng và thu hoạch bền vững cho các thành viên HTX. |
Với khát khao sản xuất nông nghiệp hữu cơ mang đến những sản phẩm sạch cho người tiêu dùng, nữ giám đốc 9X, tốt nghiệp cử nhân Kế toán của trường đại học Kinh tế quốc dân đã trở về quê hương lập nghiệp, biến cánh đồng hoang hóa, cằn cỗi, thành vùng đất phủ kín cây dược liệu.
Năm 2017, HTX Tâm An được thành lập với 6 thành viên liên kết sản xuất. Ban đầu, HTX tiến hành trồng thử nghiệm một số loại cây dược liệu như: đinh lăng, cà gai leo, chùm ngây… kết quả cho thấy những loại cây này phù hợp với điều kiện canh tác và thời tiết khí hậu của địa phương, ngoài ra còn có dược tính rất cao.
Trò chuyện với Phóng viên VnBusiness, chị Nguyễn Thị Thu, Giám đốc HTX Tâm An giới thiệu: “Hoạt động của HTX dựa trên sức dân là chính, tức là người dân góp đất, góp sức trồng dược liệu. Ban giám đốc sẽ tư vấn hỗ trợ về mặt giống, kỹ thuật đảm bảo dược liệu cho năng suất và chất lượng cao nhất”.
Đặc biệt, HTX sản xuất theo cách độc đáo mà các thành viên ở đây thường gọi là nông nghiệp “lười”. Giải thích về mô hình này, chị Thu cho biết thêm: “Lười không có nghĩa không làm gì cả mà là sắp xếp trồng các loại cây hợp lý để chúng thực hiện “sứ mệnh” riêng của mình. Cụ thể, dưới tán cây chùm ngây chúng tôi có thể trồng xen canh với một số cây dược liệu khác mang giá trị kinh tế cao như: cây hẹ, tía tô,…vừa tạo nguồn phân xanh ngay tại chỗ, vừa hạn chế cỏ dại mọc”.
Hướng canh tác này đã mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng và đây cũng là cách làm nông nghiệp bền vững hiệu quả kinh tế cao.
Hơn nữa, nhờ nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng về nông sản, thực phẩm sạch, HTX Tâm An thực hiện mô hình trồng rau theo quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ quy mô 4ha gồm các loại: diếp cá, rau má, cải bó xôi, cải bắp, bí ngô,...
Đánh giá về quy trình sản xuất bột rau củ sấy lạnh, chị Thu nói: “Sau khi thu hoạch và làm sạch, sản phẩm được đưa vào hệ thống sấy lạnh GIHO do Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ nghiên cứu chuyển giao, giúp rau củ giữ được 93% giá trị dinh dưỡng so với rau củ tươi”.Cùng với đó, HTX đầu tư xây dựng xây dựng khu chế biến, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất. Khi đó, rau củ, dược liệu được thu hoạch, HTX không bán ngay mà sẽ được các thành viên sơ chế rồi đưa vào hệ thống sấy lạnh trong 63h nhằm giữ nguyên màu, giá trị dinh dưỡng, sau đó nghiền thành bột chế biến rồi mới đưa ra thị trường.
Ngoài ra, các sản phẩm bột rau củ còn tiếp tục được HTX chế biến thành sản phẩm mỳ rau: Mỳ cà rốt, bí đỏ, chùm ngây; muối vừng bột rau củ, bánh quy rau củ... Đây là sản phẩm đang có sức tiêu thụ tốt trên thị trường, có giá trị kinh tế cao gấp 3-5 lần so với rau xanh.
Hiện, HTX đang liên kết sản xuất 90 hộ trong khu vực xã Khánh Hà và hai HTX cung ứng sản phẩm rau, củ an toàn bao gồm: HTX An Tâm (Mộc Châu), HTX rau an toàn Tứ Xã (Phú Thọ).
Sản phẩm sạch từ “Tâm”
Lựa chọn tên “Tâm An” cho thương hiệu của mình, HTX muốn truyền tải thông điệp sản phẩm sạch, an toàn đến người tiêu dùng đúng ý nghĩa như tên gọi của nó. Bởi, các sản phẩm dược liệu, rau củ của HTX đều được kiểm soát từ khâu trồng, đến chế biến và phân phối sản phẩm.
Xác định phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, ngay từ đầu chị Nguyễn Thị Thu đã hướng dẫn các thành viên hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Thay vào đó, HTX dùng phân bón hữu cơ và các loại thuốc thảo mộc để phòng ngừa, trị sâu, nấm bệnh cho cây.
Sau khi sơ chế rau củ, công nhân đưa rau vào máy sấy lạnh. |
Tại vùng sản xuất, HTX Tâm An tận dụng các phế phẩm nông nghiệp tại chỗ, trân trọng cây cỏ, bảo vệ sức khoẻ con người, bảo vệ môi trường, cải tạo đất, sử dụng nguồn nước tự nhiên để phun tưới tạo nguồn dinh dưỡng tự nhiên giúp cây trồng phát triển tốt, giảm tối đa chi phí đầu vào, giảm tỷ lệ rác thải tại địa phương.
Nhờ sự quyết tâm và linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, đến nay, vườn dược liệu của của HTX đã có tới hơn chục loại thảo dược. Vì thế, các sản phẩm mang thương thương hiệu “Tâm An” đã có mặt trong các cửa hàng thực phẩm sạch, các siêu thị mẹ và bé, và 15 chuỗi cửa hàng Taman Eco trên toàn quốc.
“Hiện nay, với các sản phẩm chiết xuất từ thảo dược như trà chùm ngây, dầu gội, mỳ sạch... HTX Tâm An đạt doanh thu hơn 4 tỷ đồng/năm, sau khi trừ đi chi phí lãi ròng hơn 1 tỷ đồng/năm. Trong đó, riêng sản lượng trà thảo dược, mỗi tháng Tâm An sản xuất gần 2,5 tấn nguyên liệu tươi, tương đương hơn 200kg trà thành phẩm, đóng gói được 500 hộp trà”, chị Thu tiết lộ.
Năm 2019, sản phẩm “Bột rau củ sấy lạnh GIHO” của HTX đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 4 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Kết quả này là sự nỗ lực, cố gắng của HTX và rất nhiều các cộng sự tâm huyết tạo dựng lên. Đến nay, các thành viên tham gia HTX đều có mức thu nhập ổn định 4-5 triệu đồng/tháng.
“Dù đã có những bước đi ban đầu khá vững chắc, tuy nhiên, với một HTX còn khá trẻ như Tâm An trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn phải vượt qua. Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX TP.Hà Nội và các ngành chức năng tiếp tục quan tâm, mở các lớp đào tạo, tập huấn về kỹ thuật canh tác hữu cơ cho thành viên; hỗ trợ HTX tham gia các chương trình xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm mang nhãn hiệu Tâm An đến với đông đảo người tiêu dùng”, chị Thu nói.
Tô Thương