Những năm trước, người tiêu dùng thường hướng đến sự tiện lợi nên ưu tiên sử dụng các loại bao bì truyền thống, sử dụng một lần. Tuy nhiên, những năm gần đây, không chỉ người tiêu dùng mà các HTX đã nhìn thấy tác động của bao bì sử dụng một lần đến với môi trường nên đã chuyển hướng sang sử dụng các loại bao bì thân thiện môi trường như: bao bì giấy, bao bì tự hủy…
Giải pháp thông minh
Không dừng lại ở đó, Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 là một lực đẩy quan trọng khiến các HTX chuyển sang sử dụng bao bì giấy, bao bì thân thiện môi trường. Bởi lẽ, từ đầu năm nay, khi các nhà sản xuất và nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa sẽ có trách nhiệm đóng góp tài chính vào quỹ bảo vệ môi trường nhằm mục đích để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì.
Nắm bắt được cơ hội này, các HTX đã nỗ lực đầu tư cho khâu bao bì để có thể cung ứng hàng hóa theo tiêu chí xanh, thân thiện môi trường và hoàn thiện chuỗi giá trị bền vững.
Ông Chử Thanh Hải, Giám đốc HTX sản xuất nông nghiệp Thành Công (Thanh Hóa) cho biết thương mại điện tử ngày càng phát triển, nhu cầu tiêu dùng của con người ngày càng tăng khiến nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa sẽ tiếp tục phát triển. Đây cũng là cơ hội cho HTX khẳng định quy trình sản xuất sạch.
Cụ thể là HTX đã sử dụng thùng carton để đóng gói sản phẩm cam Như Xuân thay cho túi nylon dùng một lần. Đối với những đơn hàng dưới 10kg, HTX còn khuyến khích khách hàng sử dụng làn, giỏ bằng tre, nứa, mây... theo hình thức quà tặng.
Điều này không chỉ nâng cao hình thức mẫu mã sản phẩm mà còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho một bộ phận người dân có nghề đan lát truyền thống tại địa phương. Trong mùa cam 2021-2022, HTX đã tiêu thụ khoảng 3.000 giỏ, làn mây tre đan; hơn 10.000 thùng carton góp phần bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu sống xanh của người tiêu dùng.
Sử dụng bao bì giấy giúp hạn chế túi nylon dùng một lần. |
Hay như HTX sản xuất tiêu thụ Mỳ Trại Lâm Nam Dương (Bắc Giang) đã thay túi nylon bằng loại túi giấy Kraft của Nhật Bản dành riêng trong thực phẩm. Sử dụng túi giấy Kraft không chỉ bảo đảm vệ sinh môi trường mà còn giúp giữ được mùi thơm của mỳ. Mỳ chũ không bị hôi khi bảo quản trong túi nylon dùng một lần như các loại mỳ khác. Cách làm này giúp HTX này càng khẳng định được thương hiệu Mỳ Chũ Green.
Theo thống kê, mỗi năm, người dân Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nylon. Trung bình mỗi hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng khoảng 1kg túi nylon mỗi tháng và khoảng 85% số túi nylon đó đều bị thải bỏ ra môi trường sau khi dùng một lần.
Do đặc tính bền, khó phân hủy, túi nylon sử dụng một lần đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động thực vật.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc các HTX chuyển sang sử dụng các loại bao bì thân thiện môi trường như túi giấy Kraft , túi sinh học… để bao gói, bảo quản hàng hóa, nông sản sẽ khắc phục được tình trạng lệ thuộc vào dầu mỏ, nhựa - vốn là những thành phần, nguyên liệu chủ yếu để sản xuất túi nylon hiện nay.
Chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh đang bị tăng cao và sự cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế sâu rộng, các HTX gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và xây dựng thị trường. Việc đầu tư cho mảng bao bì thân thiện với môi trường cũng là cách giúp các HTX chiếm lĩnh được thị trường, tiếp cận được với các doanh nghiệp.
Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường cũng cho biết, lượng túi nylon dùng một lần tại các siêu thị Việt Nam là khoảng 104.000 túi/ngày. Nếu các nhà bán lẻ, siêu thị giảm được lượng túi nylon thì mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa, túi nylon dùng một lần trên phạm vi cả nước sẽ thuận lợi hơn.
Bà Nguyễn Thị Kim4 Dung, Giám đốc Co.op mart Hà Nội, cho biết các nhà bán lẻ hiện nay đang đẩy mạnh kinh doanh t4heo hướng xanh để chung tay cùng cả nước giảm thiểu rác thải nhựa nói chung và túi nylon dùng một lần nói riêng. Khi thay thế bao bì sử dụng một lần bằng bao bì thân thiện môi trường sẽ giúp đầu ra cho các HTX thuận tiện hơn.
“Nếu HTX đầu tư cho bao bì xanh cũng cho thấy hướng đi chuyên nghiệp và bền vững. Đó cũng là chỉ dấu để các siêu thị quyết định ký hợp đồng lâu dài với HTX, vì đây là cách giúp các siêu thị giảm lượng rác thải nhựa, túi nylon ngay từ khâu đầu vào”, bà Dung nói.
Chủ động đầu tư
Nhận thấy xu hướng của thị trường, không chỉ các HTX nông nghiệp sản xuất nông sản thực phẩm mà ngay cả các HTX sản xuất bao bì cũng nhanh chóng thay đổi cách thức sản xuất để nắm bắt cơ hội.
Dù đại dịch Covid-19 gây ra không ít khó khăn do gián đoạn trong chuỗi cung ứng, thiếu lực lượng lao động nhưng HTX In và Sản xuất bao bì Thiên Hà (Thái Nguyên) vẫn ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận bởi đẩy mạnh thiết kế và sản xuất các loại bao bì giấy và bao bì bằng túi nylon nhưng có thể tái chế và hạn chế ô nhiễm môi trường. Trong số đó phải kể đến các mẫu hộp giấy, túi giấy đựng sản phẩm chè của các mô hình kinh tế tập thể có các sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên như: HTX Chè Tân Hương, HTX Chè Hảo Đạt, HTX Chè Khe Cốc…
Hay như HTX thương mại dịch vụ và sản xuất bao bì HAT (Hà Tĩnh) đã tập trung sản xuất các loại bao bì bằng hạt nhựa tái sinh hoặc giấy Kraft. Các loại bao bì do HTX sản xuất đều được làm từ những nguyên liệu tái chế và chỉ mất khoảng vài tháng để phân hủy thay vì hàng trăm năm như túi nylon dùng một lần.
Theo Ban giám đốc HTX, bao bì bền vững phải đáp ứng được 3 tiêu chí: giảm lượng rác thải và nhu cầu sử dụng; có khả năng tái sử dụng và có thể tái chế bao bì thành nguyên liệu sản xuất. Hiện, người tiêu dùng thông minh đang chú trọng và hướng đến sử dụng các sản phẩm có bao bì đáp ứng được 3 tiêu chí trên.
Một trong những yếu tố giúp các HTX sản xuất bao bì trong nước vẫn đứng vững trước những khó khăn của thị trường thời gian qua đó là đầu tư công nghệ sản xuất bao bì từ hạt nhựa PP tái sinh, tái chế từ bao xi măng. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào ngay ở trong nước với chi phí đầu tư thấp hơn. Điều này cũng khiến các HTX này ít bị ảnh hưởng bởi biến động giá hạt nhựa trên thị trường thế giới như các doanh nghiệp sản xuất nhựa.
Với mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sẽ sử dụng 100% túi nylon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị và giảm dần sản xuất túi nylon dùng một lần, các chuyên gia đánh giá đây là cơ hội để các HTX ngành hàng bao bì phát triển và khẳng định mình trong thời gian tới. Việt Nam và nhiều nước cũng đang chuyển sang trạng thái thích ứng linh hoạt với dịch bệnh nên nhiều sức mua hàng hóa tiêu dùng sẽ cải thiện hơn. Điều này cũng mở ra cơ hội tăng trưởng của các HTX ngành bao bì.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc HTX In và Sản xuất bao bì Thiên Hà, cho biết các hiệp định thương mại tự do như: RCE, EVFTA, CPTPP… sẽ tiếp tục mở ra cơ hội xuất khẩu cho nhiều ngành hàng cần sử dụng lượng lớn các bao bì như nông sản, thực phẩm... Chính vì vậy, nhu cầu về bao bì chất lượng cao, thân thiện với môi trường sẽ lớn hơn và cũng là cơ hội xuất khẩu cho các đơn vị ngành bao bì trong nước.
Ông Dũng cũng cho rằng bao bì giấy sẽ chiếm lĩnh thị trường cùng với sự phát triển mạnh mẽ của lối sống xanh, thân thiện với môi trường của con người. Trước tác động của biến đổi khí hậu, người tiêu dùng đang đặt nhiều quan tâm tới yếu tố bảo vệ môi trường trong sản phẩm của HTX, doanh nghiệp. Chính vì vậy, các đơn vị sản xuất cũng quan tâm nhiều hơn đến bao bì giấy, các chất liệu có thể tái chế và an toàn với môi trường xung quanh khi phân huỷ.
Bên cạnh các cơ hội trên, các HTX trong lĩnh vực bao bì cũng sẽ gặp nhiều thách thức như cạnh tranh tiêu thụ với các doanh nghiệp cùng ngành. Do đó, để cạnh tranh lành mạnh, các HTX trong lĩnh vực này cần đầu tư thêm về công nghệ, chú trọng nắm bắt thị hiếu khách hàng và tận dụng tệp khách là khu vực kinh tế tập thể, HTX rộng lớn.
Tùng Lâm