Khảo sát của Liên đoàn Hợp tác xã Raiffeisen Cộng hòa Liên bang Đức tại 48 HTX cho thấy, có đến 36% HTX chưa vay được vốn và chỉ có 0,5% đáp ứng được các điều kiện vay vốn từ các tổ chức tín dụng.
Khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng
Theo chia sẻ của đại diện các HTX, để có nguồn vốn phát triển và mở rộng sản xuất kinh doanh, các HTX chủ yếu phải “nhờ cậy” vào nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX.
Điều này cũng được khẳng định trong báo cáo của Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể là trong giai đoạn 2001-2021, khoản cho vay đối với khu vực kinh tế tập thể mới đạt 68.878 tỷ đồng. Dư nợ đối với khu vực kinh tế tập thể đến năm 2021 đạt khoảng 6.000 tỷ đồng, trong đó nợ xấu là 162 tỷ đồng, chiếm 2,93% tổng dư nợ.
Nguyên nhân dẫn đến thất bại khi tiếp cận các nguồn vốn tín dụng chủ yếu liên quan đến vấn đề kiểm toán như: Không có phương án sản xuất kinh doanh hoặc có những không khả thi; không có tài sản đảm bảo vốn vay; hệ thống báo cáo tài chính chưa minh bạch, đầy đủ; tình hình tài chính của HTX còn yếu…
Cụ thể như phần hạch toán kế toán nhiều HTX chưa thực hiện phù hợp theo Thông tư 24 năm 2017 của Bộ Tài chính. Đặc biệt là phần chứng từ vẫn còn sai sót như: chữ ký của người có thẩm quyền theo quy định của chứng từ chưa được ký đầy đủ hoặc chưa đầy đủ nội dung ghi theo yêu cầu, chưa đánh số thứ tự theo quy định. Bên cạnh đó, bộ phận báo cáo tài chính tại các HTX còn rất thiếu và yếu nên không đảm bảo các hồ sơ, giấy tờ tài chính.
Kiểm toán sẽ giúp các HTX có phương án và kế hoạch sản xuất cụ thể hơn. |
Trong khi đối với HTX, chỉ cần mua một tài sản từ 100 triệu đồng trở lên cũng phải trải qua rất nhiều thủ tục cần thực hiện như: phải qua đấu thầu qua mạng theo quy định của Nhà nước, phải có quyết định trúng thầu theo Luật Đấu thầu. Sau đó phải mời đơn vị bán đến để thương thảo hợp đồng, ký hợp đồng. Sau khi ký hợp đồng xong thì bên bán phải thực hiện giao máy móc cùng biên bản giao nhận, biên bản nghiệm thu và cả biên bản thanh lý theo quy định. Ngoài ra còn phải có hóa đơn đỏ theo quy định về nơi nhập, nơi xuất. Nếu là hàng nhập khẩu phải có cả CO, CQ…
Thực tế, kiểm toán chính là kiểm tra, xác minh tính trung thực của những báo cáo tài chính, từ đó giúp cung cấp những thông tin chính xác nhất về HTX.
Về cơ bản, kiểm toán và kế toán sẽ liên quan đến nhau. Kế toán sẽ cung cấp thông tin về tài chính của HTX thông qua các báo cáo tài chính. Và công việc của kiểm toán là xác minh tính trung thực của các báo cáo tài chính đó. Như vậy, công tác kiểm toán là rất cần thiết đối với mỗi HTX.
Ông Lê văn Ba, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phú (Lâm Đồng) cho biết công tác kiểm toán giúp HTX tìm ra những điểm mạnh, điểm yếu từ đó giảm nguy cơ phá sản, giải thể và giúp HTX tạo ra nền tài chính minh bạch, dân chủ để tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Nhận thức được vai trò của kiểm toán trong phát triển sản xuất kinh doanh nhưng nhiều HTX khó có thể thực hiện được điều này. Bởi hiện nay chỉ có 3 loại hình kiểm toán, gồm: kiểm toán nhà nước, kiểm toán độc lập và kiểm toán nội bộ nhưng chưa có các quy định riêng cho kiểm toán của khu vực KTTT, HTX. Trong khi 3 loại hình kiểm toán trên chỉ áp dụng phù hợp và thuận lợi cho mô hình doanh nghiệp.
TS Ninh Đức Hùng, chuyên gia phát triển HTX và sản phẩm OCOP, cho biết riêng loại hình kiểm toán nhà nước hiện nay chưa có các quy định áp dụng đối với HTX nên các mô hình KTTT chưa thể áp dụng loại hình kiểm toán này.
Còn kiểm toán độc lập nếu áp dụng đối với mô hình HTX thì rất khó bởi muốn làm kiểm toán, HTX phải bỏ tiền ra chi trả các dịch vụ từ lập kế hoạch, kế toán, mời kiểm toán. Trong khi để làm được các quy trình này đòi hỏi rất nhiều thời gian, kinh phí nhưng HTX thì không dư giả về vốn.
Với loại hình kiểm toán nội bộ, các đơn vị cho vay như Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX không thể tiến hành kiểm toán nội bộ với HTX vì họ không phải thành viên/đơn vị trực thuộc. Còn nếu tự đầu tư hệ thống kiểm toán viên đối với HTX thì vô cùng khó bởi ngay nguồn nhân lực đối với HTX vẫn là “điểm nghẽn”.
Ngoài ra, nếu khi kiểm toán thành công và có báo cáo tài chính minh bạch, nhưng nếu HTX không có tài sản đảm bảo thì vẫn rất khó có thể tiếp cận được các nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại bởi không bảo đảm được khả năng thu hồi vốn của các ngân hàng.
Ngoài ra, trong Luật HTX 2012, cụ thể là trong Nghị định số 193/2013/NĐ-CP của Chính phủ tuy quy định chi tiết một số điều của Luật HTX nhưng cũng chưa có quy định cụ thể về hoạt động kiểm toán, mà mới chỉ dừng lại ở mức “khuyến khích HTX thực hiện kiểm toán nội bộ” (Điều 22 Nghị định 193/2013). Chính vì vậy, các HTX chỉ thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của hợp đồng hợp tác hoặc khi HTX muốn tái cấu trúc, tham gia các dự án, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Hoàn thiện pháp lý
Theo quyết định 1318 ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025, trong đó có mục 3 của phần giải pháp đề cập đến vấn đề tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về tình hình thực hiện chính sách pháp luật của KTTT, HTX, từ đó làm cơ sở hoàn thiện các thể chế chính sách cho KTTT mà nòng cốt là HTX.
Như vậy, kiểm toán đối với mô hình HTX là vô cùng cần thiết. Nếu tổ thực hiện được kiểm toán, đây sẽ là dịp để HTX có cơ hội được học hỏi các kinh nghiệm từ kiểm toán viên để tìm ra những điểm mạnh, điểm yếu của HTX từ đó có những biện pháp phòng ngừa những nguy cơ rủi ro và có kế hoạch xây dựng HTX an toàn, minh bạch hơn.
Tuy nhiên, để HTX thực hiện kiểm toán điều trước tiên là phải hoàn thiện về mặt pháp lý riêng cho khu vực KTTT. Bởi hiện nay, HTX muốn kiểm toán thì chủ yếu áp dụng các quy định trong Luật Kiểm toán Nhà nước số 81/2015/QH13, Luật Kế toán 88/2015/QH13, Nghị định số 50/2016/NĐ-CP. Ngoài ra có thông tư 2014/2017/TT-BTC nhưng chủ yếu đề cập về chế độ kiểm toán cho HTX, Liên hiệp HTX chứ chưa có quy định cụ thể về kiểm toán HTX.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phùng Quốc Chí - Cục trưởng Cục Phát triển HTX, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, để bảo đảm tính minh bạch về tài chính đối với các HTX, việc bổ sung vào dự thảo Luật HTX năm 2012 sửa đổi một chương riêng về kiểm toán HTX là cần thiết.
Trong đó, sẽ quy định cụ thể về phạm vi kiểm toán, tần suất, hình thức, chủ thể và giá trị kiểm toán. Chẳng hạn như đối với các HTX quy mô lớn sẽ áp dụng kiểm toán một năm/lần, HTX quy mô vừa sẽ áp dụng 4-5 năm kiểm toán một lần và với HTX nhỏ và siêu nhỏ có thể không phải kiểm toán.
Đối với việc chọn lựa một hình thức kiểm toán phù hợp với khu vực kinh tế tập thể tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hải Yến - Chuyên gia thuộc Liên đoàn HTX Raiffeisen (CHLB Đức) cho rằng các ngành chức năng nên áp dụng mô hình kiểm toán nội bộ. Tuy nhiên, muốn thực hiện thành công loại hình kiểm toán này trong khu vực KTTT thì cần phải thành lập Trung tâm kiểm toán trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam và các HTX thành viên chính là khách thể của hoạt động kiểm toán.
Bà Yến cũng cho rằng, nếu thành lập Trung tâm kiểm toán HTX cần xây dựng cơ chế cho phép ngân sách (trung ương và địa phương) có thể hỗ trợ các đơn vị kinh tế tập thể về kinh phí kiểm toán để bảo đảm hiệu quả của mô hình này.
Huyền Trang