Năm 2017, để thực hiện mục tiêu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, đưa cây thanh long ruột đỏ thành cây trồng chủ lực, ngành nông nghiệp Tp.Uông Bí đã tổ chức tư vấn, hỗ trợ về khoa học - kỹ thuật, an toàn lao động (ATLĐ), giúp các hộ dân trồng thanh long trên địa bàn thành lập HTX.
Sau hơn 1 năm chuẩn bị, tháng 6/2018, HTX Thanh long Uông Bí chính thức được thành lập với 7 thành viên, sản xuất trên diện tích hơn 20 ha, sản lượng đạt 500 tấn/năm. HTX trở thành đơn vị dẫn dắt sản xuất, xây dựng kho lạnh bảo quản, gắn nhãn mác để xây dựng thương hiệu thanh long địa phương.
Nâng cao kỹ thuật
Bà Lại Thị Thúy - Giám đốc HTX Uông Bí, cho biết: “Nhờ nằm trong vùng thanh long trọng điểm của tỉnh, HTX trở thành nhà cung ứng tiềm năng cho các doanh nghiệp chế biến. Vì vậy, ngay khi bắt đầu, HTX đã hướng thành viên theo mô hình sản xuất an toàn nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng cao”.
Về kỹ thuật, HTX áp dụng phương pháp trồng thanh long leo giàn, với các ưu điểm vượt trội như gia tăng số lượng cây trên cùng một diện tích, năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao, tạo thuận lợi trong việc chăm sóc, thu hoạch và vệ sinh vườn (trước và sau khi thu hoạch).
Các thành viên HTX được tham gia các khóa tập huấn nâng cao kỹ thuật, kiến thức về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường. Trước và sau các vụ, HTX tổ chức các buổi gặp mặt để các thành viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện quy trình sản xuất.
Công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị sản xuất cũng được HTX đặc biệt chú trọng. Để bảo đảm sản xuất an toàn, hiệu quả, các thành viên HTX được hỗ trợ xây dựng giàn thanh long bằng sắt, hệ thống phun tưới tự động, mua sắm thiết bị thu hoạch, vận chuyển…
Nhờ sản xuất an toàn, sản lượng thanh long của HTX tăng 2 - 3 lần, cây thanh long cho quả sau 11 - 13 tháng, thu hoạch 10 - 12 đợt/năm. Các vườn thanh long của HTX có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, giảm thiểu tác động tiêu cực từ tự nhiên, giúp chất lượng sản phẩm được bảo đảm.
![]() |
Thanh long đang dần trở thành cây kinh tế chủ lực trên vùng đất Uông Bí |
Hiệu quả vượt trội
Với vai trò đầu tàu, Giám đốc Lại Thị Thúy đang sở hữu vườn thanh long hơn 4 ha, sản lượng bình quân 120 tấn/năm, doanh thu đạt 120 - 150 triệu đồng/năm. Mô hình thanh long của gia đình bà đang tạo việc làm cho 6 lao động, với mức lương 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ mang lại giá trị kinh tế vượt trội, phương thức sản xuất hiện đại của HTX đang góp phần thay đổi tư duy sản xuất của thành viên. Dưới sự dẫn dắt của HTX, quy trình sản xuất thanh long dần được hoàn thiện, các quy định về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường được nâng cao.
Điển hình, việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu được HTX quản lý chặt chẽ theo nguyên tắc “4 đúng”, loại bỏ hoàn toàn các loại hóa chất độc hại, ưu tiên các loại phân bón hữu cơ, vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học, qua đó, bảo đảm hiệu quả sản xuất, ATLĐ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
“Sản xuất an toàn, chú trọng khoa học - kỹ thuật là chìa khóa để HTX tạo ra những sản phẩm có chất lượng vượt trội, nâng cao sức mạnh cạnh tranh, loại bỏ tình trạng “được mùa, mất giá”, bảo đảm hiệu quả kinh tế cho thành viên, nâng cao giá trị thương hiệu cho quả thanh long Uông Bí”, Giám đốc Lại Thị Thúy nhấn mạnh.
Với hiệu quả vượt trội của mô hình trồng thanh long ruột đỏ, UBND Tp.Uông Bí đã và đang đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ xây dựng vùng trồng thanh long tập trung trên địa bàn, từng bước đưa quả thanh long trở thành thương hiệu nông sản của địa phương.
Từ cuối năm 2018, Tp.Uông Bí đã yêu cầu các phòng chuyên môn xây dựng kế hoạch, có phương án hỗ trợ kinh phí xây dựng kho bảo quản quả thanh long, đồng thời, giới thiệu cho HTX tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm.
Hưng Nguyên