Theo số liệu của UBND xã Bích Hòa, hiện làng bún Thanh Lương có trên 50 cơ sở sản xuất bún, mỗi ngày cung cấp cho thị trường khoảng 25 tấn bún thành phẩm. Sản phẩm của làng được xuất đi khắp các chợ trong khu vực Hà Nội và các vùng phụ cận.
Mặt trái của sự phát triển
Nghề làm bún đã trở thành nghề chính, mang lại thu nhập ổn định cho người dân Thanh Lương. Các cơ sở sản xuất bún trong làng đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông nhàn ở địa phương, với thu nhập bình quân 4 - 5 triệu đồng/tháng.
Chị Nguyễn Bích Thảo - chủ một cơ sở sản xuất bún ở ngõ 2, làng Thanh Lương, cho biết làng nghề có truyền thống lịch sử đã lâu đời. Với kinh nghiệm lâu đời, bún do người dân Thanh Lương làm sợi dẻo, dai, giòn, trắng, thơm ngon và đặc biệt không có chất bảo quản. Từ lâu, bún Thanh Lương đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường và chiếm được niềm tin của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của làng nghề, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nan giải ở Thanh Lương. Theo kết quả quan trắc của cơ quan chức năng, mỗi ngày, làng nghề Thanh Lương xả ra môi trường hàng trăm mét khối nước thải từ sản xuất chưa qua xử lý. Bên cạnh đó, là mùi hôi chua bốc ra từ các cơ sở sản xuất. Làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng, do chưa có hệ thống xử lý chất thải, nước thải.
Ông Trần Văn Hào - một cao niên ở ngõ Lực, làng Thanh Lương, chia sẻ: “Ô nhiễm môi trường là vấn đề nóng của địa phương. Nước thải của cơ sở làm bún chưa qua xử lý được xả trực tiếp ra cống rãnh. Các chất cặn bã đọng lại bốc lên mùi chua nồng khắp làng, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống sinh hoạt của người dân và vệ sinh môi trường làng nghề. Con cháu nhà tôi lúc nào cũng phải bịt khẩu trang mỗi khi ra đường, để hạn chế hít phải không khí ô nhiễm từ làng nghề”.
Ông Bùi Văn Vinh - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Bích Hòa, cho biết trong những năm qua, tỷ lệ người dân mắc các bệnh về đường hô hấp và các bệnh ngoài da ngày càng tăng cao, do môi trường bị ô nhiễm.
Không có hệ thống xử lý, nước thải từ cơ sở sản xuất bún phải chất trong những dụng cụ thô sơ
Chính quyền còn băn khoăn
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Bùi Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Bích Hòa, cho biết trước thực trạng môi trường làng nghề bị ô nhiễm, chính quyền xã rất trăn trở và đã có nhiều giải pháp để giải quyết. Theo đó, xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền kiến thức ATVSTP cho người sản xuất, đầu tư xây dựng hệ thống cống rãnh kiên cố chạy qua thôn để dẫn nước thải.
Ông Dũng cũng cho biết thêm: Quỹ Bảo vệ môi trường của Thành phố đã triển khai thí điểm sử dụng chế phẩm sinh học nhằm giảm thiểu ô nhiễm làng nghề. Chế phẩm này được rắc trực tiếp xuống cống rãnh, nơi có nguồn nước thải sản xuất chảy qua. Qua một thời gian thí điểm, kết quả cho thấy hàm lượng các chất BOD5, COD, Coliform giảm đáng kể, môi trường được cải thiện. Hiện nay, chế phẩm sinh học này đã được sử dụng phổ biến trong các gia đình ở thôn Thanh Lương.
Thiết nghĩ, trước khi vấn đề ô nhiễm môi trường ở làng bún Thanh Lương được xử lý triệt để, chính quyền xã Bích Hòa cần đưa ra những chính sách, chế tài cụ thể trong việc kiểm tra vấn đề VSATTP, cũng như việc chấp hành tốt các vấn đề xử lý nước thải ra môi trường của các cơ sở sản xuất bún ở Thanh Lương, sẽ góp phần bảo vệ môi trường sống, sức khỏe của chính người dân nơi đây.
Nguyễn Hiếu