Với mong muốn tạo ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn, có giá trị kinh tế và ổn định đầu ra, nhiều nông dân ở xã Tân Thành đã cùng nhau góp vốn thành lập HTX Công nghệ cao Tân Thành.
180.000 đồng/kg mãng cầu hoàng hậu
Ông Nguyễn Văn Tâm - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX, cho biết với định hướng là sản xuất, kinh doanh theo hướng “cánh đồng mẫu lớn, công nghệ cao, áp dụng hệ thống quản lý sản xuất tiên tiến (GlobalGAP)”, HTX đi vào hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu không có dư lượng hóa chất trong các sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
HTX Tân Thành được thành lập trên cơ sở góp vốn của 11 thành viên, tổng số vốn ban đầu là 9 tỷ đồng. HTX tổ chức sản xuất, thương mại theo hướng công nghiệp cao, nâng cao hiệu quả kinh tế bền vững, phục vụ nội địa và xuất khẩu của các mặt hàng trái cây, củ, quả các loại.
Hiện, tổng diện tích canh tác của HTX lên tới 100 ha và sắp tới sẽ tiếp tục mở rộng. HTX đã định hướng cho các thành viên canh tác các loại cây ăn trái có năng suất tốt, giá trị kinh tế cao, về cả thị trường trong nước và quốc tế.
Cụ thể, hiện đang có ba loại cây ăn trái đã được canh tác là mãng cầu hoàng hậu, thanh long ruột đỏ, ruột tím hồng (loại thanh long chỉ xuất khẩu) và cam cara.
Giá thu mua tại vườn của các loại trái cây này hiện đều đang ở mức khá cao. Đơn cử mãng cầu hoàng hậu có giá lên tới 180.000 đồng/kg, cam cara có giá 60.000 đồng/kg và thanh long ruột đỏ là 40.000 đồng/kg.
Mục tiêu hoạt động HTX là tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh, trồng cây ăn trái các loại, nâng cao hiệu quả kinh tế. Vì thế, HTX chú trọng khâu lựa chọn giống, giống mới; áp dụng hệ thống tưới tự động tiên tiến; sử dụng nguồn phân sạch, phân hữu cơ; chế phẩm sinh học an toàn trên cây trái.
Vườn mãng cầu Hoàng hậu của thành viên HTX |
Ứng dụng nông nghiệp CNC
Vừa qua, 900 ha diện tích đất mía kém hiệu quả đã được huyện Thủ Thừa đề nghị tỉnh bỏ quy hoạch mía sang cây trồng khác hiệu quả hơn, trong đó có cây ăn trái. Tân Thành là 1 trong 3 HTX thí điểm theo Luật HTX 2012 trên tổng số 16 HTX toàn tỉnh để rút kinh nghiệm mở rộng.
Các chuyên gia về giống cây cũng như chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp cùng một số doanh nghiệp chuyên thu mua và xuất khẩu trái cây đã đến HTX tìm hiểu về quy trình canh tác, sản lượng dự kiến của các nhà vườn.
Nói về việc áp dụng công nghệ cao (CNC) trong nông nghiệp tại HTX Tân Thành, ông Lê Phong Hải (chuyên gia nghiên cứu nông nghiệp tỉnh Long An), cho biết: Mô hình CNC ở đây được hiểu là quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn CNC và mô hình sản xuất CNC.
Với HTX Tân Thành, trước tiên, các chuyên gia tư vấn, định hướng các thành viên hiểu đúng về quy trình sản xuất an toàn, sau đó tiến tới sẽ nâng cao quy trình canh tác lên theo hướng CNC.
Đơn cử như giống cây trồng được lựa chọn giống mới và ươm trồng hữu cơ ngay từ nhỏ, để cây khỏe mạnh; tận dụng hệ thống tưới tự động, giảm thiểu sức lao động, từ đó giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu các rủi ro từ sâu bệnh, thời tiết…
“Hoạt động hiệu quả của HTX là tiền đề để xây dựng HTX kiểu mới của huyện, góp phần ứng dụng nông nghiệp CNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Nghị quyết của 08 của Tỉnh ủy và theo Chương trình hành động 08 của Huyện ủy.
UBND huyện sẽ phối hợp với các sở ngành của tỉnh, Liên minh HTX tỉnh, chỉ đạo các phòng ban của huyện hỗ trợ những vấn đề trong phạm vi cho phép, tạo điều kiện thuận lợi nhất để HTX hoạt động hiệu quả”, ông Phan Văn Tới - Phó Chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa, cho biết.
Hà Xuyên