Trồng thanh long công nghệ cao vừa bảo vệ môi trường vừa rộng đầu ra |
Kết hợp trồng thanh long ruột đỏ và thanh long ruột trắng, thời gian qua, HTX tập trung sản xuất thanh long theo hướng ứng dụng công nghệ cao, góp phần tăng năng suất, chất lượng và bảo đảm an toàn thực phẩm cũng như môi trường.
Ứng dụng công nghệ cao
Hướng phát triển thanh long của HTX hiện nay là không khuyến khích phát triển diện tích mà tập trung đi vào chất lượng.
Muốn thanh long phát triển hiệu quả, ổn định và bền vững, phương pháp canh tác duy nhất là phải sản xuất theo quy trình sạch, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường về độ an toàn của sản phẩm.
Chính vì vậy, HTX đã mạnh dạn chuyển từ sản xuất thanh long VietGAP sang sản xuất GlobalGAP. Để mang lại hiệu quả, HTX đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thành viên và người dân tham gia sản xuất thanh long theo hướng sạch, an toàn. Vùng sản xuất tập trung sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao của HTX hiện là 34ha.
Ông Huỳnh Văn Tấc (thành viên HTX) cho biết sản xuất thanh long VietGAP chủ yếu phục vụ thị trường trong nước hoặc xuất sang Trung Quốc, giá cả đầu ra không ổn định. Từ khi ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hiệu quả hơn.
“Tham gia sản xuất theo quy trình GlobalGAP, gia đình được HTX hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt. Nhờ đó, giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất, sản phẩm làm ra sạch, được nhiều công ty thu mua xuất khẩu, thu lãi hơn 1 tỷ đồng/năm”, ông Tấc phấn khởi cho biết.
Mục tiêu của HTX đến năm 2020 là tiếp tục ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, sau đó mở rộng vùng sản xuất lên 40ha. Việc ứng dụng công nghệ cao góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, sức cạnh tranh, đa dạng sản phẩm và thị trường tiêu thụ, đồng thời thay đổi tập quán canh tác của người dân.
Đáp ứng thị trường khó tính
Để mở rộng, phát triển thanh long xuất khẩu sang các thị trường khó tính, HTX đã được huyện tạo điều kiện tham gia các đoàn khảo sát, xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho trái thanh long tại một số nước trên thế giới.
Mỗi tháng, HTX xuất khẩu hơn 20 tấn qua nhiều thị trường khó tính trên thế giới như: Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Hà Lan, Mỹ và gần đây là Hàn Quốc. Nhờ thị trường và giá cả ổn định, thu nhập của nông dân, thành viên HTX cao hơn trước 40-45%.
Chỉ riêng việc áp dụng mô hình tưới tiết kiệm cũng giúp các thành viên và người dân tiết kiệm 80% công lao động, tiết kiệm điện, nước.
Không chỉ chú trọng xuất khẩu, HTX tiếp tục đẩy mạnh mở rộng thị trường trong nước khi tham gia các hội chợ, triển lãm, trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thanh long như: Hội chợ Triển lãm tại Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Hội chợ Quốc tế nông nghiệp tại Tp.Cần Thơ; Hội chợ Kết nối cung - cầu tại Tp.HCM... Qua đó, giúp thanh long của HTX có mặt tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích của các thành phố lớn trong nước.
HTX tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia sản xuất thanh long đạt chuẩn GlobalGAP để sản phẩm có chất lượng đồng đều.
Sản xuất thanh long GlobalGAP ngoài ý nghĩa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nhất là môi trường đất và nước; giảm tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế sự phát sinh, gây hại của các loại sâu bệnh cho cây trồng; làm tăng uy tín và chất lượng đối với sản phẩm thanh long.
Rõ ràng, việc đẩy mạnh sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao mở ra hướng đi mới cho HTX. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, phục vụ tốt hơn người tiêu dùng và nhu cầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Như Yến