Tận dụng chất lượng nước từ sông Đuống, HTX Trường Mạnh thực hiện nuôi và kinh doanh cá lăng, cá chép giòn, cá diêu hồng với tổng diện tích nước mặt 5.000 m2. Đây cũng là sản phẩm chủ lực của xã Mão Điền (Thuận Thành, Bắc Ninh).
Thành công từ giá trị
Có truyền thống nuôi cá giống, nhưng với mong muốn phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, các thành viên HTX Trường Mạnh đã quyết tâm sản xuất theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái thông qua quy trình nuôi VietGAP.
Điều thuận lợi của HTX là nước sông Đuống có chất lượng và tốc độ dòng chảy thuận lợi để nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi cá lồng bè theo quy mô lớn. Địa phương cũng là vùng có hạ tầng giao thông đồng bộ, lại giáp ranh với Tp.Hà Nội, nên rất thuận lợi cho việc vận chuyển tiêu thụ. Đây là những lý do và cũng là nền tảng để 10 thành viên HTX quyết tâm đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, ngay từ vị trí đặt lồng, HTX đã tính toán, bảo đảm toàn bộ lồng cá nằm trong vùng quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản của địa phương, không bị ảnh hưởng bởi lũ, phương tiện giao thông thủy, mực nước không bị thay đổi đột ngột, không có dòng xoáy và không bị ảnh hưởng của các nguồn gây ô nhiễm.
Để bảo đảm môi trường, tất cả các dụng cụ, thiết bị sử dụng trong quá trình nuôi phải bảo đảm không gây tổn hại cho cá, dễ vệ sinh tiêu độc, khử trùng. Các động cơ và thiết bị máy móc sử dụng cũng được HTX đầu tư mới, bảo đảm không rò rỉ xăng, dầu vào nguồn nước.
Mỗi lồng đều được cắm biển, ghi rõ ngày xuống giống, số lượng, chủng loại giống, loại cám cho ăn… HTX còn có sổ theo dõi các lồng về mặt thức ăn, cách phòng bệnh, cách giữ vệ sinh lồng cá, ngày giờ xuất bán.
Đối với thức ăn, HTX sử dụng song song thức ăn công nghiệp và thức ăn tự chế biến, đặc biệt không dùng kháng sinh, hóa chất cấm trong suốt quá trình nuôi để bảo đảm chất lượng đưa ra thị trường.
Thức ăn cho cá được kiểm soát liều lượng, chú trọng vệ sinh lồng định kỳ nên HTX có thể nuôi cá với mật độ cao, môi trường ít bị ô nhiễm. Nguồn nước luôn được lưu thông cũng là những điều kiện thuận lợi để cá sinh trưởng, phát triển tốt, chất lượng thịt ngon, được người tiêu dùng ưa thích.
Nhờ nuôi cá khoa học, 85 lồng cá (90% là cá lăng) của HTX đã được Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Dịch vụ thủy sản Việt Nam cấp giấy chứng nhận VietGAP vào năm 2017. Cá ít dịch bệnh, lớn nhanh nên sản lượng đạt 500 - 600 tấn/năm, mang về doanh thu khoảng 25 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, nhờ HTX đứng ra làm đầu mối mua trực tiếp thức ăn chăn nuôi nên các hộ thành viên tiết kiệm được nhiều chi phí sản xuất, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất.
HTX tiên phong nuôi cá lồng VietGAP trên sông Đuống |
Bền vững và ổn định
Điều thuận lợi là ở thời điểm này, HTX đã chủ động được thị trường tiêu thụ, cùng với đó, các thành viên đã thành thạo kỹ thuật nuôi cá lồng VietGAP một cách bài bản, nhất là kiến thức về chăm sóc, vệ sinh, phòng chống dịch bệnh. Chính vì vậy, cá thu hoạch đến đâu được bán hết đến đó.
Mong muốn của HTX là duy trì số lượng lồng và sản lượng hiện có để bảo đảm được chất lượng cá. “Phát triển nhanh quá sẽ để lại những vấn đề về môi trường, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, thị trường tiêu thụ không ổn định sẽ dễ bị tư thương ép giá”, Giám đốc Nguyễn Xuân Đang cho biết.
Nuôi cá lồng trên sông mang lại những lợi ích to lớn về kinh tế nhưng đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn, rủi ro cao nhất là do thiên tai, khi vào mùa bão lũ, nhất là khi nuôi lớn. Tuy nhiên, sau nhiều năm gắn bó, HTX là đơn vị thành công trong lĩnh vực nuôi cá lồng bền vững.
Khâu đầu tiên trong việc giảm thiểu những thiệt hại, gìn giữ môi trường chính là công tác quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản của HTX đã dựa trên cơ sở phân vùng sinh thái, phát triển hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước và xử lý chất thải đối với lĩnh vực nuôi cá lồng trên sông của tỉnh.
Khi quy hoạch đồng bộ, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu về vệ sinh môi trường, ngăn ngừa bệnh dịch, HTX đã tạo ra một môi trường phát triển thủy sản bền vững, ổn định và ít ảnh hưởng tới hệ sinh thái xung quanh.
Các thành viên cũng áp dụng công nghệ sinh học để xử lý nguồn nước, nguồn chất thải từ thức ăn chăn nuôi. Những biện pháp này đã bảo vệ sức khỏe các thành viên trong quá trình sản xuất, tránh được những tác động xấu về lâu dài cho môi trường.
Huyền Trang