Cá nhiễm kim loại nặng do nuôi trong môi trường ô nhiễm, cá tồn dư kháng sinh, cá không ngọt và thơm thịt vì lạm dụng các loại cám công nghiệp… là những nỗi lo thường trực của người tiêu dùng. Tuy nhiên, nỗi lo này có thể vơi bớt phần nào khi đến HTX Cảnh Hưng.
Đồng bộ các biện pháp
“Nhất cận thị, nhị cận giang”, phát huy thế mạnh gần các con sông lớn, 18 hộ thành viên của HTX Cảnh Hưng đã và đang phát triển kinh tế bền vững từ nghề nuôi cá lồng trên sông theo đúng quy trình VietGAP. Mô hình sản xuất của HTX đã nâng cao chất lượng, bảo đảm sản phẩm đầu ra, tạo niềm tin cho nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Theo Ban Giám đốc HTX, mức đầu tư ban đầu là khoảng 20 triệu đồng/lồng cá. Các loại cá HTX nuôi đa dạng như trắm, chép, diêu hồng, cá lăng... Tuy nhiên, vụ đầu tiên do thiếu kinh nghiệm, chưa biết cách phòng bệnh cho cá, chưa biết vệ sinh lồng đúng cách, một số lồng cá của HTX bị nhiễm dịch bệnh.
Không bỏ cuộc, ngay vụ sau, HTX đã kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, thường xuyên phối hợp Phòng NN&PTNT, Chi cục Thủy sản tỉnh đưa các thành viên đi tập huấn. Trong suốt quá trình nuôi thả, Chi cục Thủy sản thường xuyên hỗ trợ HTX về kỹ thuật giúp hiệu quả sản xuất của các lồng cá được nâng lên.
Hiện, các thành viên đã nắm bắt đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật nuôi cá lồng. Mật độ đặt lồng được HTX đặt không quá dày để không ảnh hưởng sự lưu thông của dòng chảy. Các quy trình kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, quy trình phòng trừ bệnh cho cá khi xảy ra dịch bệnh được các thành viên áp dụng thành thục.
Đặc biệt, việc xử lý lượng thức ăn dư thừa, chất thải của cá cũng được HTX quan tâm nhằm hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường nước, giảm nguy cơ dịch bệnh.
“Trong trường hợp cá bị chết, chúng tôi đều phải tiêu hủy, không đổ ra sông, gây ô nhiễm môi trường nước, tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng”, anh Nguyễn Duy Công - Giám đốc HTX, cho biết.
Thay vì cho cá ăn rau, cá tươi, hiện các loại thức ăn cho cá đều được kiểm tra trước khi sử dụng. Riêng thức ăn thực vật được HTX ưu tiên sử dụng từ gần 20 ha chuối trồng theo chuẩn VietGAP của chính HTX. HTX cũng không sử dụng cá băm trực tiếp mà sử dụng cám của các doanh nghiệp uy tín để bảo đảm chất lượng dinh dưỡng cho cá và bảo đảm không ô nhiễm môi trường nước.
Khu vực nuôi cá lồng được đầu tư xây dựng kiên cố của HTX |
Hướng đi phù hợp
Nhờ thực hiện hàng loạt biện pháp sản xuất an toàn theo chuẩn VietGAP, ai đến tham quan khu vực nuôi cá lồng của HTX đều ấn tượng với khu vực nuôi được đầu tư xây dựng kiên cố với hơn 200 lồng. Diện tích mặt nước vẫn bảo đảm trong xanh. Các lồng cá được bố trí hợp lý để bảo đảm nguồn ôxy. Khu để thức ăn và khu vệ sinh… được bố trí khoa học.
Cách giữ vệ sinh lồng cá, xử lý chất thải khi nuôi, bảo đảm chất lượng và hiệu quả tại từng lồng nuôi cá đã giúp việc truy xuất nguồn gốc dễ dàng hơn. Nhờ quy trình nuôi cá sạch, quá trình sinh trưởng của cá được bảo đảm, ít xảy ra dịch bệnh, chất lượng sản phẩm được khách hàng đánh giá cao, giúp hiệu quả kinh tế của các lồng cá được nâng lên.
Hiện nay, sau mỗi quy trình nuôi, một lồng cá cho năng suất 4 - 5 tấn cá/lồng các loại cá chép, diêu hồng; sản lượng 6 - 7 tấn cá/lồng với cá lăng, mang về doanh thu khoảng 6 tỷ đồng. Cá của HTX hiện đã có mặt tại các chợ cá đầu mối ở Từ Sơn (Bắc Ninh), Yên Sở (Hà Nội ) và trong những bếp ăn tại các khu công nghiệp tại Bắc Ninh.
Theo các thành viên, đầu tư nuôi cá lồng theo quy trình VietGAP tuy mất nhiều thời gian, công sức, vốn nhưng đây lại là hướng đi phù hợp, bền vững vì hướng đến sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng, đồng thời giảm chi phí thức ăn, hóa chất, công lao động, dịch bệnh.
Mô hình nuôi cá lồng VietGAP của HTX Cảnh Hưng đã đóng góp không nhỏ vào việc từng bước phát triển nghề nuôi trồng thủy sản tại địa phương theo hướng tập trung.
Cùng với đó, việc tạo lập, quản lý và chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm còn góp phần ổn định việc tiêu thụ thủy sản, tăng thu nhập cho người nuôi; đồng thời giảm áp lực khai thác nguồn lợi tự nhiên, bảo vệ môi trường.
Huyền Trang