HTX Trại Hòa đang sản xuất trên tổng diện tích hơn 8 ha, thu hút hơn 60 hộ thành viên. Hiệu quả vượt trội về cả kinh tế, an toàn lao động, vệ sinh thực phẩm và môi trường của mô hình đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ và được nhân rộng tại nhiều địa phương lân cận như Nhuận Trạch, Cư Yên, Thành Lập...
Quy trình nghiêm ngặt
Khác với phương thức trồng rau thông thường, để tham gia sản xuất rau hữu cơ, thành viên và hộ liên kết của HTX phải tham gia khóa tập huấn kỹ thuật kéo dài 3 tháng, trải qua nhiều đợt khảo sát để được cấp chứng chỉ đủ điều kiện, trình độ tham gia.
Bà Hoàng Thị Long - Giám đốc HTX, cho biết: “Tại các lớp tập huấn, thành viên HTX được trang bị kiến thức và trải nghiệm thực tế ngay trên ruộng để nắm vững quy trình sản xuất rau hữu cơ, từ các khâu chọn giống, cải tạo đất, chăm sóc, đến thu hoạch, bảo quản, đảm bảo sản xuất hiệu quả và an toàn”.
Các thành viên bắt buộc phải nắm vững các quy định về an toàn lao động, vệ sinh thực phẩm, đồng thời, tuân thủ 6 nguyên tắc, gồm: Không trồng trên đất và nước nhiễm hóa chất; không sử dụng thuốc diệt cỏ; không sử dụng thuốc trừ sâu; không sử dụng phân bón hóa học; không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng; không sử dụng giống biến đổi gen.
Hiện tại, toàn bộ nguồn giống rau của HTX do Trung tâm giống cây trồng của tỉnh cung cấp. Loại phân bón duy nhất được sử dụng là phân chuồng ủ hoai mục 3 - 6 tháng. Nước tưới lấy bởi 2 nguồn chính là nước dẫn từ suối hoặc nước bơm từ giếng khoan đã được kiểm định chất lượng.
Sản xuất hữu cơ cũng đòi hỏi các thành viên HTX loại bỏ hoàn toàn phân bón, thuốc hóa học, chỉ sử dụng phân ủ hoai, dùng thiên địch và phun thuốc thảo dược để phòng trừ sâu bệnh.
Việc nói không với các loại hóa chất độc hại giúp chất lượng sản phẩm của HTX được nâng cao, môi trường sản xuất trong lành và an toàn lao động được bảo đảm.
Mô hình rau hữu cơ của HTX cho hiệu quả vượt trội |
Phát huy hiệu quả
Bà Bùi Thị Thoa - thành viên HTX, chia sẻ gia đình bà tham gia HTX trồng rau hữu cơ từ khi có dự án của ADDA. Qua hơn 10 năm triển khai, bà thấy rau phát triển tốt, năng suất chất lượng tăng lên đáng kể, các sản phẩm được HTX bao tiêu, hỗ trợ tiêu thụ nên giá bán cao và ổn định.
“Trồng rau hữu cơ, tôi chỉ sử dụng phân chuồng ủ hoai (tối thiểu 6 tháng) nên chi phí thấp. Hàng ngày, tôi bắt sâu cho rau, trồ ng hoa để dẫn dụ thiên địch và phun hỗn hợp thuốc thảo dược theo đúng hướng dẫn nên sâu bệnh ít xảy ra”, bà Thoa cho biết.
Cùng chung niềm vui, bà Bùi Thị Sinh - thành viên HTX, cho biết: “Trước kia chỉ trông vào cây ngô, sắn nên hiệu quả rất thấp, thu nhập mỗi tháng 1,5 - 2 triệu đồng. Từ khi chuyển sang trồng rau hữu cơ, bình quân mỗi tháng, tôi thu về 6 - 7 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 4 triệu đồng. Công việc ổn định, hiệu quả và an toàn hơn nhiều so với trước”.
Thống kê của HTX cho thấy mô hình sản xuất rau hữu cơ cho năng suất cao hơn 20 - 35%, chất lượng được bảo đảm giúp giá bán tăng bình quân 30%, doanh thu bình quân đạt 6 triệu đồng/người/tháng, lợi nhuận đạt 4 - 5 triệu đồng/người/tháng (sau khi trừ chi phí).
Các sản phẩm hữu cơ của HTX tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm của huyện Lương Sơn. Năm 2016, rau hữu cơ Lương Sơn trở thành 1 trong 79 thương hiệu, sản phẩm nông nghiệp được trao danh hiệu “Thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam” và có mặt trong chuỗi sản phẩm an toàn thực phẩm “Thực phẩm xanh, nông sản sạch”.
Nhờ chất lượng vượt trội, sản phẩm của HTX đang được người tiêu dùng trong tỉnh ưa chuộng, tin dùng, đồng thời, có mặt tại nhiều chuỗi cửa hàng, siêu thị thực phẩm tại Hòa Bình và Hà Nội, thông qua 3 đầu mối chính là công ty VinaGap, công ty Tràng An và công ty Tâm Đạt, doanh thu đạt xấp xỉ 1 tỷ đồng/năm.
Sáu Ngạn