Vĩnh Cửu từng là vùng rừng rậm, một trong những căn cứ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai. Hơn 7 năm trước, vùng này hầu như chưa có nhà vườn nào trồng cây có múi.
Anh Hà Thắng - Giám đốc HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ Bình Minh, là người đứng ra vận động nông dân cùng đồng lòng xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ trái cây sạch. Anh cũng là lớp nông dân đầu tiên nhân rộng diện tích cây có múi ở đây.
Khởi nghiệp nơi đất vườn
Học về lĩnh vực lâm nghiệp nhưng chàng trai Hà Thắng không theo nghiệp trồng rừng mà lại chọn khởi nghiệp nơi đất vườn. Thời gian đầu, anh trồng xoài và điều. Cái duyên gắn anh với cây quýt đường là khi mua thêm đất sản xuất, trong vườn có sẵn 200 cây quýt đường. Qua quá trình chăm sóc, anh nhận thấy cây ăn quả có múi sinh trưởng rất tốt, thích hợp với thổ nhưỡng nơi đây.
Những cây quýt cành lá khẳng khiu nhưng vẫn cho thu hoạch cả tạ quả, so sánh với cây xoài thì lợi nhuận cao hơn hẳn, nên anh quyết định chuyển đổi hơn 3 ha đất vườn sang trồng cam, quýt, bưởi.
Qua học hỏi kinh nghiệm và tìm hiểu thông tin, anh quyết định chọn canh tác theo hướng hữu cơ, chủ yếu dùng phân chuồng bón cho cây; phòng trừ dịch bệnh bằng thuốc bảo vệ thực vật từ thảo mộc.
Anh Hà Thắng cho biết vườn quýt đường nhà anh trồng theo hướng hữu cơ từ hơn 6 năm nay. Làm theo hướng an toàn không chỉ vườn cây khỏe, chất lượng trái ngon, an toàn mà còn bảo vệ sức khỏe cho chính người trồng.
Từ đó, anh quyết tâm nhân rộng mô hình sản xuất sạch này bằng việc đứng ra thành lập Câu lạc bộ cây trồng có múi xã Phú Lý và vận động nông dân tham gia, liên kết cùng nhau trồng theo hướng hữu cơ. Đây cũng là tiền thân của HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ Bình Minh bây giờ.
Tuy nhiên lâu nay, nhiều nông dân luôn cho rằng việc trồng quýt, cam, bưởi sạch chi phí đầu vào cao mà giá bán lại thấp do mẫu mã trái không đẹp. Thực tế, nguyên nhân là do người trồng chưa làm đúng cách. Làm trái cây sạch chuyển từ phân hóa học sang dùng nhiều phân hữu cơ, sử dụng thuốc sinh học cây sẽ sung sức hơn, tuổi thọ tăng lên, năng suất cao và dịch bệnh cũng giảm nên chi phí đầu vào thấp hơn 20 - 30%, giá thành giảm xuống. Vì vậy trồng quýt sạch lợi nhuận sẽ cao hơn, trong khi lại bảo đảm sức khỏe và tốt cho môi trường.
Trồng quýt sạch thu lãi 600 - 700 triệu đồng ha năm |
Sản xuất an toàn
Ông Phan Văn Minh - Phó Giám đốc HTX, chia sẻ: “Sau nhiều năm canh tác phải sử dụng quá nhiều phân hóa học, thuốc trừ sâu ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và môi trường, tôi đã tự tìm hiểu và chuyển 3 ha quýt đường sang sản xuất theo hướng an toàn”.
Ông Minh mất hơn một năm tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm mới tìm ra cách sản xuất quýt an toàn, giảm chi phí đầu vào nhưng năng suất vẫn đạt 50 tấn/ha/năm.
Để có đầu ra ổn định cho trái cây sạch, từ nhiều năm trước, các thành viên Ban quản trị HTX đã tham gia rất nhiều chương trình kết nối, tiêu thụ nông sản sạch.
Nhờ đó, trái cây có múi của xã Phú Lý là một trong những mặt hàng có mặt khá sớm tại chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Dầu Giây (huyện Thống Nhất). HTX còn tổ chức đóng hàng cung cấp cho khách ở Hà Nội và nhiều cửa hàng thực phẩm an toàn tại Tp.HCM.
Khi có đầu ra ổn định, trái cây có múi an toàn của HTX luôn bán được với giá tốt hơn so với mặt bằng chung ngoài thị trường. Nhiều thành viên từ khó khăn đã vươn lên làm giàu, trong đó có không ít tỷ phú nhờ thu nhập từ cây có múi.
Các thành viên trồng quýt sạch trong HTX thu lãi 600 - 700 triệu đồng/ ha/năm. Thương lái đến tận vườn thu mua trái cây nên các hộ trồng rất an tâm.
Ngoài hỗ trợ cho các thành viên trong HTX kinh nghiệm làm quýt sạch, Ban quản trị HTX còn khá nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm cho những nhà vườn trong và ngoài tỉnh tìm đến học hỏi phương pháp trồng.
Hiện, HTX đang làm chứng nhận VietGAP, đăng ký nhãn hàng với mục tiêu xây dựng thương hiệu riêng cho trái quýt đường Phú Lý.
Tới đây, HTX sẽ liên kết để đưa quýt sạch đến các chợ đầu mối nông sản thực phẩm với hy vọng từng bước giới thiệu quýt sạch Phú Lý đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Hoàng Lê