HTX Tiền Nguyên là một trong những mô hình kinh tế hợp tác tiêu biểu trên địa bàn huyện đại từ lựa chọn sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ nghệ đỏ.
Đầu tư cho sản xuất
Để phát triển sản xuất, việc đầu tiên là phải hình thành được vùng nguyên liệu. Trên diện tích đất đồi khô cằn, nhiều sỏi đá, HTX phải thuê máy xúc, máy ủi để san gạt, làm mặt bằng. Nhờ cải tạo tốt, năm đầu tiên HTX có 6 ha nghệ đỏ.
Muốn giữ được các dưỡng chất trong củ nghệ, cần chú trọng các khâu trong sản xuất. Chính vì vậy, thành viên không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học độc hại mà áp dụng cách sản xuất an toàn. Cách làm này vừa bảo đảm chất lượng của nghệ vừa cải tạo đất, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Nghệ được trồng từ tháng 2-3 âm lịch và được thu sau 9-12 tháng. Tuy nhiên, theo các thành viên để có chất lượng tốt nhất, cây nghệ phải được thu hoạch sau 2 năm.
Vùng trồng nghệ đỏ của HTX Tiền Nguyên. |
Đên nay, trung bình mỗi ha nghệ cho thu từ 20-25 tấn củ tươi/vụ. Với mỗi ha nghệ, trừ chi phí nhân công, phân bón, giống, HTX thu lãi 100-120 triệu đồng.
Bên cạnh trồng nghệ tươi và bán củ giống, HTX mạnh dạn đầu tư trên 450 triệu đồng mua máy móc chế biến tinh bột nghệ, như: Máy bơm, rửa, máy nghiền, máy vắt ly tâm, máy sấy lạnh…
Nghệ sau khi thu hoạch được đưa vào lồng rửa để làm sạch đất cát bám trên bề mặt củ, đồng thời làm bong lớp vỏ lụa phía ngoài, giúp lược bớt tinh dầu và nhựa củ. Sau đó, nghệ được nghiền ly tâm để tách bã, tinh dầu và lắng lọc để thu tinh bột. Để có 1kg tinh bột nghệ cần khoảng 30kg củ nghệ tươi. Tuy nhiên, giá trị kinh tế từ tinh bột nghệ lại cao gấp 2-3 lần so với bán củ nghệ tươi.
Không lo ô nhiễm môi trường
Sản xuất theo hướng hàng hóa nên HTX Tiền Nguyên luôn chú trọng áp dụng các biện pháp giảm tình trạng ô nhiễm môi trường.
“Nước thải từ sản xuất nghệ nếu không xử lý đúng theo quy trình mà để ứ đọng một chỗ thì chỉ một thời gian ngắn sẽ phân hủy, gây ra mùi hôi thối đến rùng mình”, anh Hứa Văn Tiền, Giám đốc HTX cho biết.
Theo đó, trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất của HTX có thể thải ra môi trường hàng trăm m³ nước thải. Tuy nhiên hệ thống thu gom và xử lý nước thải được đầu tư ngay từ ban đầu nên hoàn toàn không xảy ra tình trạng nước thải chảy lênh láng, ảnh hưởng môi trường. Nhà xưởng được xây dựng khép kín, có hệ thống giảm tiếng ồn nên việc vận hành máy móc, thiết bị cũng không làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt và sức khỏe của nhân dân.
HTX cũng tích cực tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao ý thức của người lao động và thành viên về bảo vệ môi trường. Khi làm việc tại xưởng, mọi người đều tuân thủ mang đồ bảo hộ lao động, giữ vệ sinh khu vực sản xuất...
Nhờ đó, sản phẩm tinh bột nghệ, tinh bột nghệ mật ong của HTX Tiền Nguyên luôn bảo đảm các chỉ tiêu về vệ sinh an toàn thực phẩm, khu vực sản xuất của HTX được ngành chức năng đánh giá đủ tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.
Nghệ sau khi chế biến thành tinh bột sẽ không hăng nồng như nghệ tươi nên được thị trường ưa chuộng. |
Tinh bột nghệ được bán với giá 900 nghìn đồng/kg, viên nghệ mật ong được bán với giá 1 triệu đồng/kg. Toàn bộ sản phẩm đều được đóng lọ thủy tinh, có đầy đủ nhãn mác, thông tin về sản phẩm, đồng thời có mã QR để người tiêu dùng tiện tra cứu.
Ngoài trồng nghệ, hiện nay, HTX đang trồng một số loại dược liệu khác như: Đinh lăng, ba kích… Thời gian tới, HTX dự định mở rộng vùng sản xuất thêm 4ha, đồng thời, đầu tư khoảng 1,7 tỷ đồng để nâng cấp thành máy sản xuất tinh bột nghệ liên hoàn và phát triển thêm sản phẩm nghệ thái lát sấy khô.
Mô hình sản xuất của HTX Tiền Nguyên không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập mà còn góp phần đưa ngành dược liệu phát triển theo hướng bền vững. Theo đại diện UBND huyện Đại Từ, huyện sẽ tiếp tục ủng hộ, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để HTX phát triển và sáng tạo trong sản xuất. Qua đó, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.
Như Yến