Một trong những mô hình kinh tế hợp tác nổi bật hiện nay ở xã An Tây là Tổ hợp tác Làng mai xã An Tây với diện tích đất sản xuất 8,6 ha, thu nhập hàng năm khoảng trên 2 tỷ đồng.
Đổi thay từ tổ hợp tác trồng mai
Nếu như năm 2019, Tổ hợp tác cung ứng trên 10.000 gốc mai thì đến năm 2020 đã xuất được trên 18.000 cây mai các loại cho thị trường trong và ngoài tỉnh Bình Dương.
Tổ hợp tác Làng mai xã An Tây đang hướng đến việc mở rộng diện tích trồng mai. |
Thế mạnh của Tổ hợp tác là trồng và kinh doanh cây mai vàng. Nghề trồng mai tại đây có truyền thống từ lâu đời, ban đầu chỉ có dăm bảy hộ trồng chưng trong nhà vào dịp Tết, dần dần do nhu cầu lớn nên nhiều hộ tận dụng diện tích đất quanh nhà để trồng mai, sau đó tự lai giống, chăm sóc uốn tỉa cành, tạo tán để có sản phẩm độc đáo.
Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đồng thời tận dụng lợi thế, khí hậu, thổ nhưỡng, những năm qua nghề trồng mai phát triển khá nhanh. Tổ hợp tác Làng mai đã giúp các thành viên về cây giống, nguồn vốn nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo ông Huỳnh Ngọc Cẩn, Tổ trưởng Tổ hợp tác, hầu hết các thành viên đều có kinh nghiệm trồng và chăm sóc loại cây này, được Hội Nông dân xã phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông thị xã Bến Cát mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nên việc ứng dụng vào thực tế trồng và chăm sóc cây mai khá thành thạo.
Ngoài ra, Tổ hợp tác còn đang phát triển thương hiệu cho sản phẩm làng Mai An Tây - Bến Cát và phát triển thêm dịch vụ nhận dưỡng và chăm sóc mai cho các hộ dân, các cơ quan, công ty… với thu nhập hàng năm khoảng 400 - 500 triệu đồng.
Tổ hợp tác cũng hướng đến việc mở rộng diện tích, khuyến khích người dân học tập theo mô hình làm ăn hiệu quả này và tiến tới thành lập HTX.
Ở xã An Tây còn có HTX Dịch vụ - Du lịch - Vận tải An Tây đang hoạt động ổn định, hiệu quả theo mô hình dịch vụ, vận chuyển hàng hóa, hành khách, hợp đồng du lịch.
HTX đã góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, vận chuyển hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế, đời sống của người dân trong và ngoài xã, cũng như tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho các thành viên.
Bên cạnh mô hình hợp tác kinh doanh dịch vụ vận tải này, những năm gần đây, xã An Tây đã khai thác tốt tiềm năng, đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.
Tính đến tháng 7/2020, xã có trên 750 hộ kinh doanh cá thể, tăng hàng trăm hộ so với năm 2019. Mặt khác, trên địa bàn xã có 3 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 960 ha, đã góp phần tạo việc làm cho lao động tại địa phương.
Liên kết trồng lúa hữu cơ
Hơn nữa, xã An Tây đã tiến hành rà soát lại quỹ đất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khuyến khích người dân đầu tư khai thác phát triển theo hướng tận dụng thế mạnh của địa phương. Đồng thời, xã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận ứng dụng khoa học kỹ thuật, vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh…
Hạ tầng giao thông khang trang ở xã An Tây. |
Ngoài ra, từ những diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang do năng suất, thu nhập thấp, xã An Tây đang phát triển hiệu quả mô hình sản xuất lúa sạch theo hướng hữu cơ, ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng.
Mô hình này hoạt động được 2 năm nay, trồng nhiều giống lúa, như: OM 4900, OM 7347, OM 5451…rất được thị trường ưa chuộng. Sản xuất trước đây chỉ đạt 5 tấn/ha, nhưng khi áp dụng mô hình trồng lúa hữu cơ thì năng suất tăng lên từ 6 - 7 tấn/ha, giá lúa cũng tăng từ 10 - 20%.
Xã An Tây cũng thành lập Chi hội nông dân nghề nghiệp với mô hình “Lúa sạch sử dụng phân bón hữu cơ” gồm 20 thành viên ấp Lồ Ồ và ấp An Thành với tổng diện tích 50ha.
Chi hội nghề nghiệp mô hình lúa sạch sử dụng phân bón hữu cơ giúp các thành viên hợp tác trong sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm, tiếp cận các nguồn vốn vay, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, hướng tới hình thành chuỗi sản xuất, liên kết, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của người dân.
Hoạt động hiệu quả của các mô hình kinh tế hợp tác, liên kết trồng lúa hữu cơ, thương mại dịch vụ và phát triển công nghiệp đã giúp xã An Tây đạt chuẩn xã nông thôn mới từ cách đây 4 năm và đang hướng đến mục tiêu hoàn thành nâng chất xã nông thôn mới.
Đặc biệt là đời sống của người dân trong xã ngày càng nâng lên rõ rệt. Nếu như năm 2015, thu nhập bình đầu người ở xã là 36 triệu đồng thì đến năm 2016 đã đạt 43 triệu đồng; năm 2019 đạt 62,47 triệu đồng.
Thanh Loan