Tại HTX Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu (TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), Chủ tịch HĐQT Cao Thành Văn chia sẻ, hiện nay, HTX đã thử nghiệm thành công các mô hình sản xuất bền vững bảo đảm môi trường như nuôi luân canh Artemia vào mùa khô, tôm vào mùa mưa, nuôi tôm theo mô hình tuần hoàn khép kín bằng công nghệ sinh học.
Mô hình kinh tế hợp tác gắn với BVMT
HTX không xả thải ra môi trường, thu phân tôm làm thức ăn nuôi Artemia, với quy trình không sử dụng kháng sinh, hóa chất độc hại nhằm tạo ra con tôm sạch, an toàn.
Các HTX đã thử nghiệm thành công các mô hình sản xuất bền vững bảo đảm môi trường. |
Đây là mô hình phù hợp với quy mô nông hộ, không gây ô nhiễm môi trường, ít thay nước do sử dụng vi sinh trong tất cả các công đoạn và trên hết là tạo ra con tôm đảm bảo yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng giá thành không cao.
Nếu được nhân rộng, mô hình này sẽ giải quyết được những vấn đề nan giải trong ngành nuôi tôm hiện nay là sản xuất thiếu tính bền vững, hủy hoại môi trường và tôm nhiễm kháng sinh, hóa chất độc hại.
"Các mô hình này đã khẳng định năng lực tìm tòi, sáng tạo, học hỏi , sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của HTX, không chỉ nâng tầm HTX mà còn mở ra hướng đi mới cho các HTX bạn cũng như người dân trong khu vực", ông Cao Thành Văn nói.
Trong khi đó, tại HTX thủy sản Đại Thắng (TP. Ngã bảy, tỉnh Hậu Giang), các thành viên chỉ sử dụng nguồn thức ăn đã được các cán bộ nông nghiệp tỉnh giới thiệu, quy định.
HTX cũng không sử dụng thuốc kháng sinh trong quá trình nuôi mà chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học khi cần thiết, nên môi trường sống của thủy sản được bảo đảm. Nguồn nước không bị ô nhiễm, chu kỳ nuôi cá không gặp khó khăn gì, nhất là dịch bệnh được hạn chế tối đa.
Bên cạnh đó, HTX tuân thủ đúng về cách sắp xếp lồng cá, mỗi cụm lồng là 10 - 15 lồng, trong đó mỗi lồng cá lại cách nhau 10 - 15m để bảo đảm đủ ô xy cho cá sinh sống và không gây ô nhiễm môi trường bởi lượng phân do cá thải ra hàng ngày.
“Để bảo đảm môi trường trong thời gian lâu dài, HTX đã cử các thành viên tham gia công tác vệ sinh lồng bè. Việc này được tiến hành 1 tuần/lần. Vệ sinh lồng cá còn giúp kiểm tra xem lồng cá có bị rách, hỏng hay không để kịp thời sửa chữa, khắc phục. Nhờ đó, quá trình nuôi cá thu được hiệu quả cao, môi trường được đảm bảo không bị ô nhiễm”, ông Nguyễn Tấn Phong, Giám đốc HTX cho biết.
Hiệu quả từ hoạt động của mô hình HTX thủy sản đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Việc nuôi thủy sản gắn với bảo vệ môi trường (BVMT) đã thể hiện bước phát triển bền vững và lâu dài của HTX.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đánh giá, nhiều năm qua, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản đã trở thành thế mạnh kinh tế đặc biệt ở khu vực ĐBSCL. Bên cạnh cây lúa, bà con nơi đây đã xem nuôi trồng thủy sản như một "cứu cánh" để xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu.
Nhiều giải pháp được triển khai
Tuy nhiên, quá trình phát triển đã bộc lộ những vấn đề bất cập cần sớm được giải quyết. Trong đó, BVMT là vấn đề hết sức quan trọng để có thể phát triển nghề nuôi trồng thủy sản bền vững ở ĐBSCL.
Bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL đang trở thành vấn đề cấp thiết, nhằm đảm bảo phát triển bền vững. |
Môi trường đất, nước và các hệ sinh thái trong phát triển nuôi trồng thủy sản bị biến đổi gây suy thoái, ô nhiễm môi trường.
ĐBSCL là vùng tập trung nhiều các loại đất phèn tiềm tàng và phèn hoạt động. Khi bị đào đắp ao nuôi thủy sản, đào kinh rạch cấp và thoát nước, vệ sinh ao nuôi sau mùa thu hoạch đã làm cho tầng phèn tiềm ẩn bị tác động bởi quá trình ôxy hóa sẽ diễn ra quá trình lan truyền phèn rất mãnh liệt làm giảm độ pH môi trường nước, gây ô nhiễm môi trường và dịch bệnh tôm, cá trong nuôi trồng.
Do đó, theo ông Nguyễn Quang Hùng, cần nhanh chóng tập trung quy hoạch môi trường vùng và các kế hoạch BVMT cụ thể trong phân vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản. Tập trung quan tâm đến BVMT trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt, BVMT nuôi trồng thủy sản nước mặn ven biển, BVMT nuôi thủy sản trên sông rạch,… nhằm giải quyết vấn đề cấp và thoát nước trong nuôi trồng thủy sản.
Trong quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL và các quy hoạch của các tỉnh, thành trong vùng cần nhanh chóng tập trung quy hoạch môi trường vùng và các kế hoạch BVMT cụ thể trong phân vùng quy hoạch.
“Trong thời gian tới, Tổng cục Thủy sản sẽ tập trung phát triển các mô hình nuôi trồng gắn liền với nhiệm vụ BVMT. Ứng dụng các mô hình công nghệ xử lý chất thải nuôi trồng thủy sản thích hợp như: xử lý chất thải bùn thải, xử lý khử trùng nước thải trước lúc thải ra,… đáp ứng tiêu chuẩn môi trường. Tập trung xử lý chất thải triệt để ở các mô hình nuôi thâm canh, nuôi công nghiệp, nuôi cá bè trên sông rạch, quản lý chặt chẽ dịch hại trong nuôi trồng thủy sản”, ông Hùng nói.
TS. Trần Phong, Cục trưởng Cục BVMT miền Nam, Tổng cục Môi trường đề xuất, cần tập trung nâng cao năng lực quản lý và sản xuất nuôi trồng thủy sản theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý, sản xuất giống, vật tư thủy sản, phòng trừ dịch bệnh, nuôi trồng thủy sản, tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, mô hình cải tạo, xử lý nguồn nước tự nhiên trên các sông, hồ chứa và diện tích mặt nước các vùng nuôi trồng thủy sản để tái tạo và BVMT nước.
Xây dựng các mô hình xử lý nước thải các ao nuôi thủy sản trước khi thải ra môi trường tự nhiên, tăng cường nguồn lực thực hiện công tác quan trắc, cảnh báo môi trường và phòng chống dịch bệnh thủy sản tại các vùng nuôi thủy sản, đặc biệt là các vùng nuôi tập trung, nuôi lồng bè và các vùng khác có nguy cơ cao để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt, đẩy mạnh xây dựng các mô hình HTX tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao sẽ là giải pháp hữu hiệu trong công tác BVMT trong nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL.
Có thể thấy, ngành nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh, mang đến nhiều lợi ích kinh tế cho bà con nông dân. Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn tồn tại nhiều mặt tiêu cực, đó chính là vấn đề ô nhiễm môi trường. Vì vậy, vấn đề BVMT trong nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL không chỉ đặt ra với nhà quản lý, mà bên cạnh đó người dân, trong đó có các thành viên HTX cũng phải nâng cao ý thức giải quyết, xử lý triệt để thì mới có thể đảm bảo được sự phát triển bền vững của ngành nuôi trồng thủy sản ở khu vực này.
Kim Yến