Tam Đa là mô hình HTX kiểu mới ít thành viên. HTX thành lập ngày 5/1/2015, với 8 thành viên, vốn điều lệ gần 200 triệu đồng.
HTX có đầy đủ thủ tục pháp lý và mới được huyện cấp phép đăng ký lại ngày 29/5/2017, với các dịch vụ phục vụ nhu cầu đời sống và sản xuất của các hộ trồng mía trên địa bàn.
Xã Tam Đa địa thế đất gò đồi, có 1.050 ha trồng cây nông lâm nghiệp, trong đó chủ yếu cây mía gần 300 ha và cây lúa 236 ha. Xã nằm trọn trong vùng trọng điểm mía đường tỉnh Tuyên Quang.
Manh nha sản xuất theo chuỗi giá trị
Là một trong những xã có vùng nguyên liệu mía lớn, những năm qua, để duy trì hiệu quả vùng nguyên liệu mía và góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân, HTX đã tuyên truyền vận động người dân thực hiện trồng và chăm sóc mía đúng quy trình, phối hợp với công ty CP Mía đường Sơn Dương để hỗ trợ giống, kỹ thuật cho người dân.
Năm 2017, HTX Nông lâm nghiệp Tam Đa đã triển khai mô hình “Cánh đồng lớn trồng mía nguyên liệu” với tổng diện tích 37 ha thu hút 40 hộ tham gia. Theo đó, HTX xây dựng kế hoạch cụ thể, đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất của nhân dân tại địa phương. Đồng thời, tổ chức tư vấn cho các hộ về cách chọn giống, cách trồng và chăm sóc mía đúng thời điểm.
Với diện tích mía đứng đầu toàn huyện, HTX bước đầu triển khai hai mô hình điểm liên kết sản xuất mía. Mô hình thứ nhất thí điểm thâm canh “liền vùng, cùng trà, khác hộ”, trên diện tích 3,9ha của 3 hộ, với tiêu chí đạt sản lượng trên 80 tấn mía cây/ha.
Mô hình thứ 2, HTX liên kết với công ty Mía đường Sơn Dương bao tiêu sản phẩm, làm thí điểm 2,9 ha theo chuỗi giá trị “đồng giống, đồng trà, đồng sản phẩm”.
Ông Đồng Mạnh Cường - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết Liên minh HTX tỉnh đã khuyến khích, vận động các HTX có đủ khả năng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Manh nha đã có HTX Tam Đa bước đầu vận hành theo “công thức” này.
Được biết, HTX Tam Đa liên kết với công ty CP Mía đường Sơn Dương thực hiện liên kết sản xuất mía nguyên liệu với 800 hộ dân, quy mô 214 ha. Đồng thời, HTX được tạo điều kiện thuê 30 ha đất để sản xuất mía giống.
Ông Nguyễn Trọng Quý - Giám đốc HTX Tam Đa, cho biết HTX liên kết theo hình thức cung ứng giống, vật tư phân bón và thu mua, vận chuyển mía cho các hộ liên kết. Đối với những hộ có nhu cầu, HTX có tổ dịch vụ thu hoạch mía.
Đây là năm thứ hai HTX thực hiện liên kết và nhận được sự ủng hộ rất lớn của người trồng mía trong khu vực. Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, Tam Đa là một trong số ít các HTX có chuỗi liên kết hoàn chỉnh và bền vững trên địa bàn Tuyên Quang.
Tam Đa là vùng trọng điểm mía đường của tỉnh Tuyên Quang |
Cần đẩy mạnh liên kết
Để nâng cao vai trò của các HTX trong việc hình thành các chuỗi sản xuất, Liên minh HTX tỉnh bước đầu mới chỉ lựa chọn hai HTX thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị của Liên minh HTX Việt Nam là HTX Nông lâm nghiệp Tam Đa (Sơn Dương) và HTX Nông lâm nghiệp Hợp Thành (xã Tân Thành, Hàm Yên).
Trên thực tế, hạn chế lớn nhất của các HTX hiện nay là việc liên kết với các doanh nghiệp (DN) tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Số lượng các HTX đầu tư theo chuỗi khép kín từ đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất đến bao tiêu nông sản cho người dân chưa nhiều.
Phần lớn các HTX còn lại mong muốn được tham gia vào đề án hỗ trợ đào tạo năng lực quản lý cho cán bộ HTX, đồng thời được phổ biến, đào tạo kỹ thuật bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, kết nối thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm cho các thành viên trong HTX.
Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang, toàn tỉnh hiện có 15 HTX, 17 THT tham gia liên kết với DN, 12 DN có hợp đồng liên kết với HTX và nông dân, 45 trang trại có tham gia liên kết với DN để sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Để DN - nông dân “bắt tay” bền chặt hơn, thay vì làm việc với từng nông dân, các DN nên làm việc thông qua các HTX, THT. Đồng thời, các cấp, các ngành cần tạo mọi điều kiện thúc đẩy xây dựng các mô hình HTX liên kết chặt chẽ theo chuỗi từ đầu vào cho đến đầu ra.
Hà Xuyên