HTX Thuận Lợi ra đời vào cuối năm 2017, trên cơ sở hợp nhất 2 THT và một số hộ dân bên ngoài. Nhờ phát huy được hiệu quả kinh tế tập thể nên từ 24 thành viên ban đầu, với 11 ao siêu thâm canh hiện nay, HTX đã tăng lên 36 thành viên với 25 ao và hơn 40 ha nuôi tôm.
“Cải” để “tiến”
Khi nuôi tôm quảng canh truyền thống, các hộ phải thay nước thường xuyên để làm sạch ao nuôi. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường vì nước trong ao nuôi tôm có nhiều kháng sinh, tạp chất, phân tôm, nếu không được xử lý theo quy trình thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất, nước. Ngược lại, khi đất, nước bị ô nhiễm sẽ không bảo đảm được điều kiện cho người dân phát triển mô hình nuôi tôm.
Trước thực trạng này, những người đứng đầu HTX nhận ra rằng chỉ có hạn chế thải nước trong ao nuôi thì mới giảm dần nguồn lây nhiễm. Dưới sự hỗ trợ của địa phương, HTX đã vận động người dân chuyển đổi từ mô hình nuôi tôm quảng canh truyền thống sang quảng canh cải tiến.
Áp dụng mô hình này, thành viên không lấy và xả nước thường xuyên như nuôi truyền thống mà chỉ khi nào có mưa lớn hoặc nắng nóng làm mực nước trong đầm dao động thì mới tiến hành xả bớt hay lấy nước vào nhằm đảm bảo độ sâu mặt đầm, tạo môi trường thuận lợi cho tôm phát triển.
![]() |
Nuôi tôm một cách khoa học đồng thời tuân thủ quy hoạch giúp hạn chế ô nhiễm môi trường. |
Thay vì cho tôm ăn liên tục trong ngày bằng thức ăn công nghiệp, HTX trồng thêm cây cỏ năn, mắm, đước… trong ao nuôi. Các loại thực vật này còn giúp cải tạo môi trường nước, vừa là nơi trú ẩn và tạo nguồn thức ăn cho tôm, giúp tôm mau lớn, đạt đầu con.
Đặc biệt, khi tham gia nuôi tôm quảng cảnh cải tiến, các thành viên bắt buộc phải trồng lúa, tức là sẽ thực hiện nuôi 2 vụ tôm kết hợp trồng một vụ lúa/năm. Vì đất ở địa phương bị nhiễm phèn nên gốc rạ sau vụ lúa sẽ được loại bớt khoảng 70% và cày lật để mau phân hủy, tránh tác động chua hóa môi trường ao nuôi. Một phần gốc rạ còn lại chính là nguồn thức ăn lý tưởng cho tôm.
Do áp dụng khoa học-kỹ thuật tiên tiến nên vừa hạn chế chi phí đầu tư và tình trạng sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm, từ đó đảm bảo tốt môi trường nuôi. Theo ban giám đốc HTX, nuôi tôm theo quy trình mới cần phải tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu bảo vệ môi trường, đó cũng là điều HTX bắt buộc phải thực hiện để bảo đảm năng suất, chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, các thành viên đều phải ký cam kết không dùng các loại hóa chất, chất xử lý môi trường không rõ nguồn gốc, không sử dụng thuốc trừ sâu và hóa chất cấm sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản…
Bên cạnh đó, HTX tích cực tuyên truyền nhằm giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, nuôi tôm có trách nhiệm, không tự ý xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường xung quanh, không tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan.
Xây dựng niềm tin
Áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, thu nhập của các thành viên tăng gấp hai, ba lần so với cách nuôi truyền thống. Đến nay, thành viên nào có diện tích thấp thấp nhất cũng hưởng lợi nhuận 150 triệu đồng/năm và cao nhất 350 triệu đồng/năm. Năm 2020, tuy dịch bệnh khó khăn nhưng các thành viên bảo đảm lương hàng tháng là 13,9 triệu đồng/người.
Điều thuận lợi là khi vào HTX, thành viên được được đầu tư ao bạt, thức ăn, thuốc thú y… với giá cả lại rẻ hơn mua bên ngoài. Ngoài ra, hàng năm HTX còn tạo điều kiện cho thành viên đi thực tế các mô hình để học hỏi kỹ thuật.
![]() |
Nuôi quảng canh cải tiến giúp 90-95% tôm sống đến khi thu hoạch. |
Một điều dễ nhận thấy là HTX được tổ chức khá bài bản, ngoài xây được trụ sở, có các ban theo quy định, có kế toán, thủ quỹ, HTX còn có cả tổ kỹ thuật gồm kỹ sư của các công ty cung cấp thức ăn, thuốc thuỷ sản và một lợi thế nữa là HTX có đến 2 kỹ sư là thành viên. Chính vì vậy, mọi khó khăn về quy trình nuôi trồng đều được giải quyết nhanh chóng, hạn chế rủi ro.
Nhằm bảo đảm lợi ích của thành viên khi tham gia mô hình kinh tế hợp tác, ban giám đốc đã tích cực liên kết với các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi để người dân được mua thức ăn với giá rẻ từ 4 - 5 nghìn đồng/kg. Muốn tạo được sự tín nhiệm và đồng thuận cao của tất cả thành viên, HTX thực hiện điều hành, quản lý thu - chi minh bạch, rõ ràng, đồng thời định hướng hoạt động, phương án sản xuất phù hợp, kịp thời cho từng vụ nuôi tôm.
Đến nay, HTX Thuận Lợi đã giúp người dân lấy lại niềm tin từ mô hình nuôi tôm và đều có kế hoạch mở rộng sản xuất phù hợp. Đây là nền tảng để Cà Mau bảo đảm diện tích và sản lượng tôm sạch hàng năm.
Tùng Lâm