HTX Tân Tiến thực hiện mô hình sản xuất lúa sạch với sự tham gia của 4 nhà. Đặc biệt, HTX đã liên kết với Liên hiệp HTX thương mại Tp.HCM (Saigon Co.op) bảo đảm thu mua cao hơn so với thị trường 40%.
Hiệu quả sản xuất
Nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), tạo ra sản phẩm gạo chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, từ khi thành lập (2016), HTX Tân Tiến thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Mô hình này mở ra một hướng đi mới trong sản xuất lúa gạo cho nông dân trên địa bàn.
Ông Nguyễn Hữu Phước - thành viên HTX, cho biết không chỉ trước đây mà hiện nay, tình trạng nông dân sử dụng phân bón vô cơ, thuốc BVTV tràn lan để nâng cao năng suất lúa, phòng trừ sâu bệnh gây hại diễn ra khá phổ biến.
Việc làm này không chỉ lãng phí mà về lâu dài còn gây nên sự suy thoái của đất, tình trạng ô nhiễm môi trường, dịch hại bùng phát khó kiểm soát. Trước thực trạng đó, từ vụ mùa năm 2016, gia đình đã tham gia mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại HTX Tân Tiến.
Quy mô sản xuất của HTX với diện tích 45 ha, có 8 hộ nông dân tham gia. Để từng bước giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, trước khi thực hiện mô hình, HTX đã phối hợp với chính quyền tổ chức cho một số hộ nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại Long An, Quảng Trị, Vĩnh Phúc...
HTX cũng tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn người dân quy trình kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, như: Lựa chọn vùng sản xuất, tạo vùng đệm cách ly; quản lý đất và đầu vào cho đất; quản lý cỏ dại, sâu bệnh; cách lựa chọn vật tư đầu vào theo tiêu chuẩn hữu cơ...
Vì vậy, thay vì bỡ ngỡ, lo lắng như trước, hiện nay người dân và các thành viên đã hào hứng với việc sản xuất lúa sạch, lúa hữu cơ.
Năng suất lúa hữu cơ của HTX trung bình đạt trên 6 tấn/ha; thu nhập của thành viên đạt trên 30 triệu đồng/ha. Mỗi năm, HTX cũng cung cấp cho thành viên 37 tấn lúa giống, 120 tấn phân hữu cơ các loại và cung cấp cho thị trường trên 1.300 tấn lúa sạch.
Mô hình lúa hữu cơ tại HTX Tân Tiến là hướng đi đúng và hiệu quả, khi giúp nông dân làm ăn có liên kết, môi trường cải thiện và cũng là giải pháp nâng cao chất lượng và giá trị lúa gạo.
Trước đây, do người dân quen với tập quán sử dụng phân vô cơ để bón cho lúa, nên việc chuyển sang sản xuất lúa theo hướng hữu cơ khiến nhiều người còn băn khoăn.
Cánh đồng mẫu lúa hữu cơ của HTX |
Cải thiện môi trường
Bà Hà Thị Dương - hộ gia đình liên kết với HTX, cho biết: “Trồng lúa truyền thống, khi vào vụ, người nông dân dùng không biết bao nhiêu thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ. Việc này ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như môi trường. Sau này, được tiếp cận cách làm mới, chúng tôi rất hào hứng tham gia mô hình sản xuất của HTX”.
Sau khi được tập huấn, các hộ đã hiểu sản xuất lúa theo hướng hữu cơ là tăng tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học và các biện pháp khác; đồng thời, giảm tỷ lệ sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV hóa học trên cây lúa nhằm tạo ra sản phẩm gạo an toàn.
Chính vì vậy, trồng lúa hữu cơ không chỉ góp phần tạo ra những sản phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe, mà về lâu dài còn góp phần cải tạo thổ nhưỡng, bảo vệ môi trường sinh thái.
Để có lúa gạo hữu cơ, việc thay đổi thói quen canh tác, sử dụng phân bón, thuốc BVTV của người dân là rất quan trọng. Do đó, trong giai đoạn đầu sản xuất, HTX thực hiện giảm 50% lượng phân bón vô cơ, dần dần tiến tới thay thế các loại phân bón hóa học và thuốc BVTV bằng phân bón hữu cơ sinh học, chế phẩm sinh học.
Bên cạnh lợi ích về kinh tế, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ của HTX Tân Tiến còn hướng đến tiêu chí sản xuất an toàn, quan tâm đến sức khỏe người nông dân và bảo đảm thân thiện với môi trường sinh thái.
Như Yến