Anh Trần Quang Ích - Giám đốc HTX, chia sẻ: “Năm 2011, tôi đầu tư cải tạo diện tích hơn 2ha vườn tạp giá trị kinh tế thấp để xây dựng trang trại nuôi đà điểu. Ngay từ đầu, để phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị, tôi chủ động ứng dụng khoa học - kỹ thuật, phương thức chăn nuôi an toàn vào sản xuất”.
“Về thức ăn, tôi mở rộng diện tích trồng cỏ lên 4.000m2, gồm cỏ voi và cỏ VA06, nhằm chủ động nguồn cung. Về chuồng trại, do đặc tính đà điểu rất thích chạy, tôi chia sân làm 8 dãy có chiều dài 80 - 100m, sân được rải cát vì đà điểu có nguồn gốc từ sa mạc thường xuyên tắm cát giúp làm sạch cơ thể và loại bỏ các loại ký sinh trùng ngoài da”, anh Ích cho hay.
Nhờ tổ chức chăn nuôi khoa học, mô hình nuôi đà điểu nhanh chóng phát huy hiệu quả kinh tế cao. Đà điểu nuôi thịt khoảng 11 tháng đạt trọng lượng trên 100kg, hiện có giá 90 - 110 nghìn đồng/kg hơi, 250 - 270 nghìn đồng/kg thịt. Với mỗi con đà điểu nếu bán hơi, người chăn nuôi lãi khoảng 4 triệu đồng, bán thịt sẽ lãi 5 triệu đồng.
Đà điểu đang là vật nuôi chủ lực, đem lại hiệu quả cao cho HTX Song Mã |
Để chuyên nghiệp hóa sản xuất, tiếp cận với thị trường mới, năm 2017, anh Trần Quang ích thành lập HTX Song Mã, trở thành điểm tựa cho các hộ chăn nuôi tại địa phương.
Lấy ngắn nuôi dài, từ thu nhập trong lĩnh vực sản xuất chè, nuôi cá và đà điểu thịt, HTX tập trung phát triển đà điểu sinh sản để sản xuất đà điểu giống nuôi thịt và cung cấp cho các hộ chăn nuôi tại địa phương. Khi đà điểu được 2 năm tuổi sẽ bắt đầu đẻ trứng, HTX đã có kế hoạch mua máy ấp trứng để chủ động cung cấp con giống cho thành viên và các hộ gia đình lân cận.
Trong năm 2018, HTX tiếp tục chọn lọc đàn đà điểu đạt tiêu chuẩn đưa vào nuôi sinh sản và có kế hoạch nhập tiếp 100 con đà điểu giống từ Trạm nghiên cứu chăn nuôi đà điểu Ba Vì. HTX cũng đang đẩy mạnh việc chuyển giao kỹ thuật nuôi đà điểu thịt thương phẩm tới các thành viên.
Giám đốc Trần Quang Ích cho biết: “Để đảm bảo phát triển bền vững, sản xuất sạch và an toàn là điều kiện bắt buộc các thành viên HTX phải tuân theo. Vì vậy, thời gian qua, HTX đã chủ động chuyển giao kỹ thuật sản xuất mới, kiến thức về vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động (ATLĐ) và môi trường”.
“Trong đó, ATLĐ là một trong những ưu tiên hàng đầu. Trong quá trình chăn nuôi, nhiều loại máy móc được trang bị, để đảm bảo an toàn, HTX cử cán bộ hướng dẫn thành viên cách vận hành máy, tập huấn kiến thức về ATLĐ, tránh các rủi ro tai nạn”, anh Trần Quang Ích nhấn mạnh.
HTX có kế hoạch thành lập các cửa hàng bán thực phẩm sạch tại huyện Đại Từ và TP Thái Nguyên; chủ động liên hệ với một số nhà hàng, nhà máy chế biến thực phẩm đông lạnh trong và ngoài tỉnh; tạo thành chuỗi cung cấp sản phẩm sạch, chất lượng ra thị trường, hướng tới xuất khẩu.
H.N