Trước đây, Tân Sơn là vùng có thế mạnh về trồng cây gừng, với diện tích khoảng 60 ha. Hai năm trở lại đây, người dân địa phương mạnh dạn trồng cây bí thơm xanh với diện tích khoảng 5 ha.
Nhờ các loại cây trồng này, nhiều gia đình đã có nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên các hộ mới chỉ sản xuất đơn lẻ, mạnh ai nấy làm, thiếu sự liên kết trong khâu trồng, chuyển giao KH-KT và tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nên sản phẩm làm ra chất lượng chưa cao, giá thành không ổn định.
Sản xuất sản phẩm đặc trưng
Cuối năm 2016, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Liên minh HTX tỉnh, HTX Nông nghiệp sạch Tân Sơn được thành lập với 11 thành viên, mục đích là kết nối các hộ sản xuất nông sản an toàn và người tiêu dùng. Trên quy mô 30 ha, các thành viên tham gia trồng các loại củ, quả đặc trưng của địa phương như gừng, nghệ, bí xanh và quả dưa.
Sản phẩm sản xuất ra được HTX đứng ra thu mua, đóng gói và liên kết tiêu thụ. Với mục đích đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng và an toàn, HTX đặc biệt chú trọng việc vận động các thành viên áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong khâu trồng, chăm sóc, sử dụng phân bón vi sinh, phân hữu cơ trong canh tác.
Năm 2017, HTX đã phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Dân tộc nội trú Bắc Kạn mở lớp đào tạo quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP cho các thành viên và người dân trong xã. Đồng thời thực hiện xây dựng mô hình điểm sản xuất rau xanh trong nhà lưới tại thôn Nặm Dất với quy mô 1.000 m2 và thu mua toàn bộ sản phẩm rau cho mô hình này.
Bà Lý Thị Ba - Giám đốc HTX, cho biết: Hiện nay, các sản phẩm dưa, bí xanh của HTX đã được Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ xây dựng nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và hoàn toàn có thể bán được vào các siêu thị.
Đối với củ gừng và nghệ sẽ thu hoạch vào cuối năm. HTX cũng đã ký hợp đồng với công ty nông sản Bắc Kạn thu mua toàn bộ củ nghệ; siêu thị tại Hà Nội thu mua củ gừng già, còn gừng non thì liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp Minh Bê.
Để sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến, các thành viên Ban quản trị HTX đã mang sản phẩm đi giới thiệu tại các cửa hàng trên địa bàn thành phố Bắc Kạn. Nông sản sạch của HTX đã nhanh chóng được người tiêu dùng lựa chọn. Bí xanh thơm và quả dưa đóng gói đến đâu tiêu thụ hết đến đó, giá bán 10.000 đồng/kg cho mỗi loại sản phẩm.
Sản phẩm bí xanh của HTX |
“Sạch nhà tốt ruộng”
Việc xây dựng mô hình “Sạch nhà tốt ruộng” là một trong những giải pháp vệ sinh môi trường nông thôn được Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo các địa phương tích cực tham gia. Mô hình bước đầu đã thu được những kết quả đáng khích lệ khi triển khai thí điểm tại Tân Sơn.
Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với HTX Tân Sơn triển khai các nội dung của mô hình đến toàn thể cán bộ, thành viên, nông dân trên địa bàn; tổ chức cho các thành viên đăng ký thi đua thực hiện mô hình gắn với các phong trào thi đua của Hội, theo đó đã có 100% hộ thành viên đăng ký tham gia.
Các thành viên của HTX đã sắp xếp lại nhà cửa, cải tạo vườn tạp, khu chăn nuôi, xây dựng các công trình vệ sinh và xây dựng lò đốt rác; vận động hội viên tu sửa đường nội thôn, khai thông cống rãnh, phát quang bụi rậm và vệ sinh đồng ruộng.
Từ khi thực hiện mô hình, Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn về sản xuất phân vi sinh và Luật Bảo vệ môi trường cho trên 120 lượt nông dân tham gia.
Mặt khác, HTX cũng tuyên truyền các thành viên sản xuất áp dụng biện pháp thân thiện với môi trường, như: Xây dựng mô hình ủ phân vi sinh từ phế thải nông nghiệp, sử dụng phân xanh; làm hầm biogas, đệm lót sinh học, sản xuất rau an toàn, chăn nuôi an toàn dịch bệnh...
Mô hình “Sạch nhà tốt ruộng” đã được các thành viên HTX và nông dân xã Tân Sơn thực hiện có hiệu quả, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
“Mô hình “Sạch nhà tốt ruộng” đã và đang đem lại những hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường sống, sản xuất nông sản an toàn và bảo đảm sức khỏe cho người dân”, bà Hoàng Thị Tàn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Sơn, cho biết.
Hà Xuyên