HTX Phìn Hồ hiện có 46 thành viên đều là dân tộc Dao đỏ. Để bảo đảm quy trình chế biến, đáp ứng các đơn hàng lớn, HTX đã liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè shan tuyết với 1.000 hộ dân. Đến nay, HTX có vùng nguyên liệu đạt trên 500 ha và được công nhận tiêu chuẩn Hữu cơ (Organic), trong đó trên 160 ha đạt tiêu chuẩn Organic của châu Âu.
Hướng đi mới cho cây chè shan tuyết
Theo các thành viên, trồng chè hữu cơ khi đến tay người tiêu dùng sẽ bảo đảm được yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm, chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, để có thành phẩm đạt yêu cầu, trong quá trình sản xuất, người trồng chè phải tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt.
Theo đó, người dân và thành viên không được sử dụng các chất hóa học (phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hóa học, thuốc diệt cỏ...), chỉ sử dụng các chất thải tự nhiên (phân ủ hoai mục) và dùng các phương pháp tự nhiên để kiểm soát sâu bệnh và cỏ dại (bắt sâu bằng tay, cắt cỏ)...
Những búp non của cây chè shan tuyết được nâng cao giá trị nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ. |
Khi mới áp dụng phương pháp sản xuất hữu cơ, bước đầu, năng suất chè sẽ bị giảm trong khoảng thời gian từ 18-36 tháng, hình thức búp chè kém bắt mắt (không mập, vàng ngọn)... ảnh hưởng đến màu sắc nước trà và giá bán sản phẩm chè. Tuy nhiên, sau thời gian này, chè bắt đầu nâng cao năng suất và phẩm cấp. Trải qua thời kỳ này, các diện tích chè mới đủ điều kiện để công nhận đạt chuẩn hữu cơ.
Theo Ban giám đốc HTX, ban đầu việc thuyết phục người trồng chè chuyển sang sản xuất chè hữu cơ là không hề đơn giản. Tuy nhiên, xác định được giá trị của vùng chè địa phương khi là rừng chè shan tuyết khởi nguyên của nước ta, người dân đã dần hiểu việc sản xuất chè hữu cơ sẽ mang lại những hiệu quả, lợi ích thiết thực như bảo đảm sức khỏe, chất lượng sản phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường…
Điểm nổi bật của mô hình trồng chè hữu cơ là làm cho đất màu mỡ và giàu chất đạm, giữ gìn các khoáng chất trong đất nhằm bảo vệ chất lượng nước cũng như môi trường tự nhiên, từ đó giúp cân bằng hệ sinh thái tự nhiên. Đây là cách HTX thu hút khách hàng trong và ngoài đồng thời giữ gìn giống chè shan tuyết cổ hàng trăm năm của người Dao đỏ.
Sản phẩm được bảo đảm từ vùng nguyên liệu
Hiện, giá chè búp non được HTX thu mua tại ruộng với giá 50 nghìn đồng/kg. Và đây cũng là thời điểm chế biến vụ chè xuân ngon nhất, lớn nhất trong năm của HTX.
Chị Triệu Mùi Ghến, thành viên HTX, cho biết để có thể đáp ứng được các đơn hàng, thành viên và người lao động phải tích cực tăng ca.
Với dây chuyền chế biến bằng công nghệ hiện đại theo hướng chuyên sâu, chú trọng nâng cao giá trị, phẩm cấp sản lượng chè cao cấp, mỗi ngày, HTX tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn chè búp hữu cơ. Sản phẩm được bảo đảm từ ngay từ vùng nguyên liệu đến chăm sóc, thu hái, bảo quản nguyên liệu.
Sản phẩm của HTX được giới thiệu tới đông đảo người tiêu dùng thông qua các hội nghị, hội thảo. |
Chị Mùi Thị Mương, Phó Giám đốc HTX, cho biết từ đầu năm 2021, HTX đã nhận được tín hiệu thị trường khá tốt khi nhiều đơn vị ký kết đơn hàng về chè hữu cơ cao cấp. Đây chính là động lực để HTX phấn đấu hoàn thiện các chỉ tiêu của năm và cũng là cơ hội để hoàn thiện hơn các sản phẩm của mình.
Với lợi thế mà vùng chè nguyên liệu truyền thống được “nuôi dưỡng” theo quy trình hữu cơ nghiêm ngặt cùng với sự tận tâm của người trồng và sản xuất, thành phẩm trà Phìn Hồ Shan tuyết khi đến tay người tiêu dùng luôn bảo đảm sạch, thơm, ngon, không sử dụng hóa chất, chất bảo quản để làm tăng hương vị.
Hiện, HTX đang chế biến các dòng trà xanh như: hồng trà, trà đen, bạch trà… Sản phẩm đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Để nâng cao giá trị và thích ứng với nhu cầu thị trường, HTX Phìn Hồ đã bước đầu phát triển mô hình “Cây chè Shan tuyết nhà tôi”. Với mô hình này, người mua và HTX sẽ thống nhất thời gian và giá bán cây chè trong một hoặc nhiều năm. Sau đó, HTX và người dân sẽ chăm sóc, thu hái sản phẩm từ cây chè theo tiêu chuẩn tốt nhất rồi chế biến, đóng gói sản phẩm mang thương hiệu riêng, trước khi chuyển gửi trả người mua sử dụng hoặc làm quà biếu. Tất cả các gốc chè được mua đều đánh dấu trên Googlemap nên sản phẩm luôn truy xuất được nguồn gốc một cách dễ dàng.
Các thành viên kỳ vọng, mô hình này sẽ góp phần giúp gia tăng giá trị thương hiệu cho cây chè của cả cộng đồng người Dao đỏ nơi đây, đồng thời giúp bà con nông dân, HTX liên kết lại với nhau nhằm quản lý chất lượng hiệu quả và giao thương tốt hơn.
Tùng Lâm