NGƯỜI LÔ LÔ TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỢP TÁC Ở HÀ GIANG
Người Lô Lô ở thôn Lô Lô Chải trước đây chỉ dựa vào một vụ lúa nương, một vụ ngô trên núi đá. Tuy nhiên, cuộc sống đã có những thay đổi tích cực từ khi Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu vào năm 2010. Từ đó, khách du lịch đến với Lô Lô Chải ngày một đông, đây là điều kiện để chính quyền địa phương và người dân tích cực đầu tư cho phát triển du lịch cộng đồng. So với công việc làm nương thì nghề làm du lịch được đánh giá là nhẹ nhàng và thu nhập cao hơn rất nhiều.
Đánh thức tiềm năng
Thời gian đầu, người Lô Lô chỉ làm du lịch theo bản năng, chưa quy củ và chưa có sự đầu tư thích đáng. Sau khi được các cấp, ngành và tổ chức hỗ trợ, du lịch cộng đồng nơi đây từng bước khởi sắc. Các hộ dân đã mạnh dạn đầu tư vốn để cải tạo nhà, xây dựng homestay… nhằm phục vụ khách du lịch đến trải nghiệm và nghỉ ngơi.
Đặc biệt, người dân trong thôn luôn coi văn hóa là tài sản vô giá, là tiền đề để thu hút khách du lịch. Chính vì vậy, mọi người luôn có ý thức giữ gìn và phát triển các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, cải tạo nhà trình tường, giữ gìn các bờ tường đá… tới tổ chức các lễ hội truyền thống như: lễ cúng thần rừng, lễ mừng lúa mới, lễ mừng nhà mới và đặc biệt là các điệu múa dân gian.
Là người đi đầu làm du lịch cộng đồng (homestay) ở Lô Lô Chải, anh Sìn Dỉ Siến cho biết, tính trung bình mỗi tháng thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, Lô Lô Chải đón hàng nghìn lượt khách lưu trú. Đặc biệt, khi vào mùa hoa tam giác mạch, nơi đây gần như “cháy” phòng.
Lô Lô Chải ngày càng phát triển và “thay da đổi thịt”, trở thành điểm sáng du lịch cho bất cứ ai đến với vùng đất cao nguyên đá Hà Giang. |
Đặc biệt, nhận thấy lợi ích của mô hình du lịch cộng đồng, đến nay thôn Lô Lô Chải có 22 gia đình mạnh dạn đầu tư kinh doanh dịch vụ homestay và 6 nhà hàng phục vụ ăn uống cho khách du lịch. Nhờ đó, thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao. Có những hộ thu nhập 50-100 triệu đồng/tháng.
Hiện nay, hầu như gia đình nào ở Lô Lô Chải cũng có tivi, tủ lạnh và xe máy đi lại, đặc biệt, hầu như ai cũng biết giao tiếp tiếng Anh thông dụng. Các lớp bồi dưỡng tiếng Anh, nghiệp vụ du lịch được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức tại nhà văn hóa thôn, giúp nhân dân có cái nhìn mới và coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Để tiếp sức cho người dân Lô Lô Chải làm du lịch, năm qua, Hội Nông dân tỉnh Hà Giang đã giải ngân quỹ hỗ trợ nông dân cho 10 hộ vay 500 triệu đồng. Mỗi hộ được vay 50 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ khách du lịch. Ngoài ra, tỉnh còn khuyến khích người dân thành lập mô hình tổ hợp tác, HTX, cùng với những tổ hợp tác, HTX đã hình thành chung tay phát triển du lịch cộng đồng.
Cùng liên kết để phát triển bền vững
Một trong những điển hình của câu chuyện liên kết cùng phát triển chính là HTX Lô Lô Chải - một mô hình kinh tế hợp tác tiêu biểu, kết hợp phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống gắn với phát triển du lịch. Ngoài đầu tư cho nghề dệt, một số thành viên trong HTX còn đầu tư xây dựng, thiết kế, bài trí homestay mang đậm phong cách truyền thống của đồng bào Lô Lô.
Homestay của HTX là một điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Ngôi nhà sàn bố trí gian hàng trưng bày sản phẩm thổ cẩm đặc trưng của người dân như đệm, gối, chăn thổ cẩm, túi thêu, váy, áo khăn đội đầu..., bên cạnh là khung cửi dệt, may các sản phẩm thổ cẩm.
Vào trong homestay là khu vực nghỉ dưỡng với đầy đủ tiện nghi. Ngoài ra, còn có phòng tắm xông hơi nước thuốc, giúp du khách nghỉ ngơi, thư giãn... Khu nhà sàn ẩm thực xây dựng với những ý tưởng độc đáo, không chỉ phục vụ các món ăn dân tộc đặc sắc mà còn tạo không gian cho du khách được tìm hiểu, trải nghiệm các phương thức chế biến những món ăn của người Lô Lô.
Theo Ban giám đốc HTX, homestay được bố trí theo phong cách truyền thống. Hệ thống nhà vệ sinh, bàn uống nước, không gian sinh hoạt chung được bố trí rộng rãi, hợp vệ sinh. Các hiện vật cổ của người Lô Lô cũng được trưng bày ở những vị trí thích hợp.
Ngôi nhà trình tường cổ là nét đặc trưng tại Lô Lô Chải. |
Khách du lịch đến đông là điều kiện thuận lợi để tiêu thụ nông đặc sản địa phương. Chính vì vậy, HTX đã liên kết với các các cấp ngành và các mô hình kinh tế hoạt động hiệu quả trong xã Lũng Cú như: Tổ hợp tác trồng lê thôn Thèn Pả với quy mô 23 ha, sản lượng đạt 65,85 tấn, Tổ hợp tác chăn nuôi bò vỗ béo thôn Cẳng Tằng; cùng các mô hình gia trại chăn nuôi bò, lợn, gà… để bảo đảm nguồn nông sản an toàn phục vụ khách du lịch.
Bà Vàng Thị Xuyến, Giám đốc HTX cho biết, nhận thấy tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch và sự định hướng của cấp ủy, chính quyền xã nên HTX xác định sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với nghề dệt truyền thống. “Từ cuối năm 2018, dịch vụ homestay của HTX bắt đầu đi vào hoạt động. Với lượng khách ổn định, sau khi trừ chi phí, mỗi thành viên có thể thu về thấp nhất 6 triệu đồng/tháng”, bà Xuyến cho biết.
Sự ra đời của HTX Lô Lô Chải đã giúp tháo gỡ những khó khăn cho địa phương như giải quyết việc làm, bảo tồn các di sản, bên cạnh đó giúp tiêu thụ các sản phẩm của bà con như gà, cá, rau... Từ đó, khuyến khích các hộ kinh doanh phát triển kinh tế, chủ động đầu tư, nâng cấp, tu sửa khu du lịch, từng bước tạo nên tính chuyên nghiệp trong giao tiếp và phục vụ.
Để giúp các hộ dân phát triển du lịch chuyên nghiệp, thời gian tới, HTX Lô Lô Chải được địa phương giao nhiệm vụ tuyên truyền, vận động các cơ sở du lịch homestay trên địa bàn tham gia HTX, đồng thời liên kết với các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn, các doanh nghiệp trên địa bàn cung cấp các dịch vụ tốt nhất, chuyên nghiệp nhất cho khách du lịch và hướng tới sự phát triển bền vững.
Ông Dương Văn Thành, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang cho biết, phát triển mô hình du lịch cộng đồng của đồng bào Lô Lô đã phát huy truyền thống yêu nước, chung sức cùng đồng bào các dân tộc khác tích cực tăng gia sản xuất, từ đó đưa cuộc sống của người Lô Lô sang trang mới.
Bài 3: Chung tay phát triển kinh tế hợp tác
Như Yến