Việc đầu tư cho giai đoạn chế biến không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế, mà còn tăng khả năng cạnh tranh của HTX; đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Mắt xích trong chuỗi giá trị
Thành lập năm 2011 với 11 thành viên, HTX đã nhận thấy khó khăn trong sản xuất nông nghiệp chính là đầu ra. Để giải quyết khó khăn này, ngoài việc trồng thanh long, HTX đã chú trọng đầu tư xây dựng nhà xưởng chế biến trên diện tích 130 m2 và dây chuyền sấy khô thanh long với vốn đầu tư 1 tỷ đồng.
Nhờ công nghệ sấy thăng hoa hiện đại và không sử dụng bất kỳ phụ gia nào nên màu sắc, mùi vị và thành phần dinh dưỡng của những lát thanh long sấy được giữ nguyên như trái thanh long tươi.
Năng suất hoạt động thành phẩm của HTX là 60 kg thanh long khô/ ngày. Trong đó, để có được 1 kg thanh long khô, HTX cần đến 13 - 14 kg thanh long tươi.
Hiện tại, thanh long thành phẩm của HTX được bán với giá 420.000 đồng/kg với thanh long ruột trắng và 520.000 đồng/kg với thanh long ruột đỏ, cao hơn nhiều lần so với giá bán thanh long tươi.
Ngoài tiêu thụ nội địa, sản phẩm Thanh long sấy của HTX còn được xuất khẩu qua các thị trường Mỹ, Hàn Quốc và một phần nhỏ sang thị trường Trung Quốc, Canada. Sản lượng đạt khoảng 36 tấn/năm, bao gồm cả hai loại thanh long ruột trắng và đỏ.
Trong quá trình hoạt động, HTX đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ trong và ngoài nước nhằm đẩy mạnh xuất khẩu. Hiện nay, việc xuất bán sản phẩm đã dần vào nhịp, do sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao.
Hoạt động sản xuất của HTX đã góp phần cung cấp thêm nguồn sản phẩm chế biến từ trái thanh long Bình Thuận ra thị trường, tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương và đặc biệt là giải quyết vấn đề “tồn đầu ra” mỗi khi vào vụ thu hoạch.
Do các thành viên đều phát triển các vựa thanh long lớn nên HTX tận dụng được nguồn nguyên liệu tươi. Bên cạnh đó, HTX còn liên kết với hàng trăm hộ dân để bảo đảm nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ cho chế biến.
HTX đã tạo thêm sự phong phú cho sản phẩm xuất khẩu của tỉnh Bình Thuận |
Bảo đảm nguồn nguyên liệu
Phát triển theo hướng hàng hóa, nên thanh long được các thành viên và người dân chăm sóc theo quy trình sạch, bảo đảm cho ra sản phẩm trái cây an toàn.
Bên cạnh đó, nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới vào sản xuất, lắp đặt hoàn toàn hệ thống bóng điện led tại vườn giúp HTX tiết kiệm điện và điều chỉnh sự ra hoa của cây. Trung bình mỗi năm, nếu chăm sóc tốt, thanh long cho thu hoạch 3 - 4 vụ.
Sau khi thu hoạch, thanh long tươi được vận chuyển về cơ sở chế biến, sơ chế, thái lát bằng máy và đưa vào hệ thống sấy trong môi trường yếm khí với thời gian 14 tiếng.
Ông Trương Lương - Giám đốc HTX Phan Long, chia sẻ diện tích sản xuất của HTX áp dụng quy trình sản xuất VietGAP và đầu tư công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel, hạn chế phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, không kích thích tăng trưởng, không chất bảo quản. Sản phẩm của HTX làm ra từ lượng quả thu hái hàng ngày, nên bảo đảm VSATTP.
Đặc biệt, để giải quyết bài toán môi trường trong sản xuất và chế biến, HTX đã sử dụng toàn bộ vỏ cây thanh long sau khi sơ chế kết hợp với phụ phẩm nông nghiệp (cành, bông lép, trái thối…) ủ thành phân hữu cơ sinh học bón cho cây.
Việc này giải quyết được tình trạng người dân ủ phế phẩm dưới gốc thanh long, hoặc đổ đống ngay tại vườn, gây hôi thối, làm ảnh hưởng đến môi trường và không bảo đảm quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Nhờ chú trọng đầu tư chế biến thanh long sấy khô, HTX Phan Long đã mở thêm một hướng đi mới tích cực cho thanh long Bình Thuận, giải quyết bài toán tồn đọng về trái thanh long, đồng thời tạo thêm sự phong phú cho sản phẩm xuất khẩu của tỉnh.
Như Yến