Hiện, thanh long được thu mua dao động từ 8.000 - 10.000 đồng/kg. Không những giá cả ổn định mà chất lượng trái năm nay cũng đảm bảo, thị trường hút hàng. Theo một số nhà vườn, vì rút kinh nghiệm từ vụ chính năm ngoái, giá thanh long lao dốc (chỉ 4.000 - 6.000 đồng/kg) nên nhiều vườn năm nay chủ động bỏ bớt trái để nuôi cành, chuẩn bị cho vụ nghịch.
Vì lượng trái ít, được chọn lựa giữ lại kỹ càng nên trái thanh long mùa chính vụ năm nay tương đối to, đẹp, đều, do đó dễ bán và thương lái ít loại bỏ hơn.
Theo một số thương lái, các vườn thanh long hiện đã đi được nửa mùa chính vụ. Thanh long được thu mua vận chuyển ra các tỉnh phía Bắc và xuất khẩu một số nước châu Á.
Bình Thuận hiện có hơn 27.700ha trồng thanh long. |
Vài năm trở lại đây, người trồng thanh long Bình Thuận không còn đầu tư nhiều cho thanh long chính vụ bởi thanh long chính vụ dễ phát sinh bệnh mà giá cả lại bấp bênh. Người dân chủ yếu tập trung cho vụ chong đèn trái vụ. Người trồng đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trên cây thanh long, góp phần làm giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ngoài việc sử dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước, sử dụng bóng đèn compact cho thanh long ra hoa trái vụ, đến nay toàn tỉnh đã có 150ha thanh long áp dụng mô hình canh tác ứng dụng công nghệ cao. Hiện, thanh long Bình Thuận đã xuất khẩu vào thị trường 12 nước, trong đó chủ lực là châu Á (chiếm 83%), châu Âu (khoảng 11%) và còn lại là châu Mỹ và châu Úc.
Hiệp hội Thanh long Bình Thuận đã cấp Giấy chứng nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho 88 tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh thanh long trên địa bàn tỉnh. Chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” đã được đăng ký bảo hộ tại các nước trong Liên minh châu Âu (EU).
Bình Thuận hiện có hơn 27.700ha trồng thanh long với sản lượng hàng năm hơn 540.000 tấn, trong đó diện tích sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn đạt 9.500ha. Thanh long được trồng trên 10 huyện, thị xã, thành phố, trong đó tập trung trồng nhiều tại huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình.
Công Trí