Tính đến đầu năm 2018, thu nhập bình quân của huyện Hàm Thuận Nam đạt trên 30 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,62%, đời sống của người dân đang được nâng cao cả về vật chất và tinh thần.
Thanh long trở thành cây chủ lực, được huyện “chọn mặt gửi vàng” để xây dựng một nền nông nghiệp bền vững. Hiện, các mô hình trồng thanh long đang thu hút hàng nghìn lao động trong và ngoài huyện, cho thu nhập đều đặn 150.000 - 300.000 đồng/người/ngày.
Năm 2018, Hàm Thuận Nam đẩy mạnh thực hiện chương trình trồng và chăm sóc thanh long an toàn và hiện có 5.366ha thanh long được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, khoảng 30% diện tích thanh long toàn huyện áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm.
Sản xuất nông nghiệp hiệu quả, Hàm Thuận Nam phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2% trong năm 2018 |
Đang có vị thế vững chắc tại thị trường trong nước, tuy nhiên, để mở rộng thị trường xuất khẩu cho trái thanh long, trong 3 năm qua, xu hướng liên kết, thành lập HTX, liên hiệp HTX đang được hình thành.
Tháng 8/2016, Hàm Thuận Nam là một trong 2 huyện được Liên minh HTX tỉnh Bình Thuận được chọn để xây dựng chuỗi liên kết thanh long, mở ra hướng đi tích cực trong sản xuất gắn với kinh doanh, tiêu thụ cho người trồng thanh long trên địa bàn.
Đến nay, huyện đang có 9 HTX, 195 tổ hợp tác đang hoạt động, thu hút gần 5.000 thành viên. Hoạt động của các HTX và tổ hợp tác đang góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đồng thời tinh thần tương thân, tương ái, vì cộng đồng được nâng lên.
Ông Nguyễn Phú Hoàng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bình Thuận, cho biết tỉnh Bình Thuận được Liên minh HTX Việt Nam giao nhiệm vụ xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm lợi thế thanh long, đến nay toàn tỉnh đã có 14 HTX, với 251 hộ thành viên tham gia chuỗi, sản xuất trên tổng diện tích hơn 1.500ha, sản lượng bình quân đạt 38.269 tấn/năm.
Hiệu quả của cây thanh long cũng đang góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới tại Hàm Thuận Nam. Năm 2017, toàn huyện có 37 tuyến đường giao thông nông thôn hoàn thành và đưa vào sử dụng, 22.502 hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch (đạt tỷ lệ 87,7%), chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên, mạng lưới y tế được kiện toàn...
Đến nay, toàn huyện đã có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2018, huyện đặt mục tiêu có thêm xã Hàm Cường đạt chuẩn nông thôn mới, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí của các xã đạt chuẩn.
Từ một vùng đất thuần nông, quanh năm hạn hán, diện mạo kinh tế - xã hội của huyện Hàm Thuận Nam đã thay đổi hoàn toàn nhờ hiệu quả của cây thanh long. Tuy nhiên, không chỉ có thanh long, huyện còn có thế mạnh từ nhiều loại cây ăn quả khác và lợi thế trong nuôi trồng thủy sản với hơn 23km đường bờ biển.
Với những lợi thế sẵn có, nếu được đầu tư đúng hướng, sự hỗ trợ kịp thời, Hàm Thuận Nam hoàn toàn có thể hoàn thành mục tiêu xây dựng thành công nền nông nghiệp hiện đại và bền vững.
Văn Nguyễn