Trước đây, Tri Tôn là huyện thuần nông với phương thức canh tác lạc hậu, nhỏ lẻ, năng suất bấp bênh. Người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng cuộc sống vẫn chật vật. Tình trạng thiếu việc làm, thu nhập thấp, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, là một thách thức lớn. Nhận thức được vai trò quan trọng của kinh tế tập thể, mô hình HTX nông nghiệp đã được huyện Tri Tôn chú trọng phát triển, trở thành “cánh tay nối dài” của người nông dân trong việc thay đổi phương thức sản xuất và nâng cao giá trị nông sản.
Tạo ra giá trị từ thế mạnh địa phương
Là một trong những huyện nghèo của cả nước theo Quyết định 353/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, huyện Tri Tôn có gần 34% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chủ yếu là đồng bào DTTS Khmer. Trong bối cảnh đó, nhằm phát huy thế mạnh cây lúa, dựa trên nền tảng phát triển Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), Tri Tôn đăng ký tham gia đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” với diện tích hơn 26 nghìn ha, tại 88 tiểu vùng sản xuất.
![]() |
Các HTX nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng đang góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo ở huyện Tri Tôn, An Giang. |
Trong đó, diện tích liên kết sản xuất 5.800ha, diện tích áp dụng “3 giảm 3 tăng” 22.000ha, diện tích áp dụng “1 phải 5 giảm” 11.200ha, diện tích áp dụng tưới tiết kiệm nước 12.000ha. Đồng thời, phát triển 4.600ha áp dụng “1 phải 5 giảm” từ Dự án VnSAT để thực hiện chi trả tín chỉ carbon.
Để thực hiện đề án, các HTX nông nghiệp ở Tri Tôn đã tập hợp nông dân, thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, từ khâu cung ứng vật tư đầu vào, áp dụng khoa học kỹ thuật, đến thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Việc canh tác trên những cánh đồng lớn, đồng bộ về giống, quy trình chăm sóc đã giúp nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất. Quan trọng hơn, HTX còn đóng vai trò là cầu nối giữa người nông dân và thị trường, tìm kiếm các hợp đồng bao tiêu ổn định, giúp bà con yên tâm sản xuất, không còn lo lắng về tình trạng “được mùa rớt giá”.
Một trong những HTX được nhiều người nhắc tới là HTX nông nghiệp dịch vụ và du lịch Tân Thạnh (HTX Tân Thạnh, thành lập năm 2017). HTX có vốn điều lệ 1,61 tỷ đồng, thu hút 61 thành viên tham gia. Với dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, HTX Tân Thạnh không chỉ cung cấp cho thành viên HTX mà còn mở rộng phạm vi cung cấp cho nông dân trong vùng. HTX giữ vai đầu mối giữa công ty và thành viên, nông dân, cung cấp vật tư nông nghiệp với giá thấp hơn so với các đại lý phân phối khác.
Đối với dịch vụ liên kết tiêu thụ lúa, ngay từ khi HTX Tân Thạnh mới thành lập, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động nông dân tham gia; mời gọi các công ty, doanh nghiệp (DN) ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với HTX. Qua đó, đã thu hút được các DN, như: Công ty TNHH TMDV Hai Thụ, Công ty TNHH TMDV Thái Bình Nosanfood, Công ty TNHH sản xuất lúa giống Ngọc Chín Sơn, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời… tham gia liên kết, giúp nông dân ổn định đầu ra. Qua đó, đời sống thành viên ngày một khấm khá.
Chắp cánh ước mơ làm giàu trên quê hương
Hay như HTX Nông nghiệp Tà Đảnh (huyện Tri Tôn) đã tận dụng phụ phế phẩm nông nghiệp trồng nấm mối đen theo hướng tuần hoàn khép kín. HTX thành lập năm 2020. Với sự đam mê và sự quyết tâm sản xuất các loại nấm sạch, chị Châu Thị Nương, Giám đốc HTX đã cùng các thành viên tận dụng phụ phẩm nông nghiệp (rơm, rạ, cám bắp, cám gạo) phối trộn làm phôi giống, cấy meo tạo ra giá thể nuôi trồng thành công các loại nấm, như: nấm mối, bào ngư, đông trùng hạ thảo, linh chi tai to và các loại cây trồng khác theo chuỗi tuần hoàn khép kín, tiến đến nền nông nghiệp bền vững, trong đó phát triển mạnh là nấm mối đen.
![]() |
Mô hình sản xuất nấm mối của HTX Nông nghiệp Tà Đảnh được đánh giá là một trong những cách làm hay ở huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên- An Giang. |
Mỗi ngày, HTX Nông nghiệp Tà Đảnh cung cấp cho thị trường trung bình 50 – 60 kg nấm mối, mỗi năm cung cấp gần 20 tấn sản phẩm, giá bán nấm tươi từ 200.000 - 250.000 đồng/kg, tạo thu nhập khá cao, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi tại nông thôn.
Mô hình này được đánh giá là một trong những cách làm hay, tạo ra thực phẩm sạch, giúp cho trên 20 lao động nữ có việc làm, đặc biệt là người dân tộc thiểu số Khmer ở huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên.
Phải thẳng thắn rằng, sự phát triển mạnh mẽ của các HTX nông nghiệp ở Tri Tôn không thể thiếu vai trò “bệ đỡ” vững chắc từ Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh An Giang. Các tổ chức này đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX phát triển toàn diện.
Theo đó, Liên minh HTX các cấp đã tích cực hỗ trợ các HTX về mặt pháp lý, tư vấn thành lập, củng cố tổ chức, xây dựng điều lệ và quy chế hoạt động. Các chương trình đào tạo, tập huấn về quản lý kinh tế, quản trị HTX, kỹ năng sản xuất, marketing, xây dựng thương hiệu được tổ chức thường xuyên, giúp nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và thành viên HTX.
Đặc biệt, Liên minh HTX đóng vai trò quan trọng trong việc xúc tiến thương mại, kết nối thị trường cho các sản phẩm của HTX. Thông qua các hội chợ, triển lãm, diễn đàn kinh tế, các HTX ở Tri Tôn có cơ hội quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác, ký kết hợp đồng tiêu thụ. Liên minh cũng là cầu nối giữa HTX với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất.
Liên minh HTX tỉnh không những khẳng định vai trò, vị thế mà còn là tiếng nói đại diện cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển HTX, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các HTX thành viên. Sự hỗ trợ toàn diện này đã tạo động lực lớn, giúp các HTX ở Tri Tôn ngày càng vững mạnh, đóng góp tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo của huyện.
Tiếp sức cho khu vực kinh tế tập thể
Trên địa bàn Tri Tôn hiện có 24 HTX đang hoạt động (23 HTX nông nghiệp, 1 HTX phi nông nghiệp). Tổng doanh thu bình quân 2,8 tỷ đồng/HTX/năm; tổng lợi nhuận bình quân 140 triệu đồng/HTX/năm. Đối với Liên hiệp HTX Tri Tôn, có 12 HTX thành viên, tổng vốn điều lệ 600 triệu đồng, liên kết khoảng 15.772ha. Huyện còn có 23 trang trại; 48 tổ hợp tác (THT), với 599 thành viên, trong đó có 14 THT thực hiện liên kết với Công ty TNHH Angimex-Kitoku diện tích 82ha, Công ty TNHH MTV Trịnh Văn Phú 217ha, hợp tác các DN liên kết sản xuất lúa giống và lúa chất lượng cao, diện tích 2.500ha.
Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, các HTX nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng ở Tri Tôn vẫn còn đối mặt với không ít thách thức như quy mô nhỏ lẻ, năng lực cạnh tranh chưa cao, liên kết giữa các HTX và doanh nghiệp còn lỏng lẻo, ứng dụng khoa học công nghệ chưa đồng bộ.
Để các HTX thực sự trở thành “chìa khóa” mở cánh cửa no ấm cho người dân Tri Tôn một cách bền vững, cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị và cộng đồng. Cần tiếp tục củng cố và phát triển HTX theo hướng hiện đại, đa dạng hóa ngành nghề, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ.
Việc tăng cường liên kết giữa các HTX, xây dựng các chuỗi giá trị nông sản khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ là vô cùng quan trọng. Đồng thời, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản, nâng cao năng suất và chất lượng.
Vai trò hỗ trợ của Nhà nước và Liên minh HTX các cấp cần được phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong việc tạo điều kiện về vốn, chính sách, khoa học kỹ thuật và xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò và lợi ích của việc tham gia HTX, khơi dậy tinh thần hợp tác, đoàn kết trong cộng đồng.
Thực tế, công tác xóa đói giảm nghèo ở huyện Tri Tôn, An Giang đã đạt được những kết quả đáng tự hào, trong đó, các HTX nông nghiệp đóng vai trò là lực lượng nòng cốt. Qua kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2024, toàn huyện Tri Tôn còn 1.478 hộ nghèo, tỷ lệ 4,42%, (giảm 2,05% so năm 2023). Trong đó, hộ nghèo là đồng bào DTTS còn 1.063 hộ, tỷ lệ 9,54% so tổng số hộ dân tộc toàn huyện (giảm 4,81%); hộ cận nghèo còn 2.286 hộ, tỷ lệ 6,83% (giảm 1,57% so năm 2023)
Với sự năng động, sáng tạo của các HTX, sự hỗ trợ hiệu quả từ Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh An Giang, cùng với sự chung sức, đồng lòng của người dân, tin rằng Tri Tôn sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên con đường xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc và phát triển bền vững cho vùng đất Bảy Núi. Những “trụ cột” HTX nông nghiệp vững chãi sẽ tiếp tục là “chìa khóa” quan trọng, mở ra những cánh cửa tươi sáng hơn cho tương lai của người dân Tri Tôn.
Đức Anh