Nhiều HTX tại Bến Tre đang đẩy mạnh phát triển du lịch miệt vườn (Ảnh Tư liệu) |
Hướng đi mới
HTX nông nghiệp Định Thủy (huyện Mỏ Cày Nam) thành lập từ tháng 11/2017, hiện có 185 thành viên. Tuy hoạt động chưa lâu, nhưng HTX đã có một hướng đi mới là gắn phát triển du lịch với các hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm tăng chuỗi giá trị về dừa của địa phương.
Nhận thấy những ưu thế vượt trội về du lịch sinh thái, trải nghiệm của địa phương, đầu năm 2018, cùng với việc sản xuất, chế biến dừa, HTX đã ký kết hợp đồng với Công ty du lịch Scivi để xây dựng tour du lịch trên địa bàn xã.
Sau gần nửa năm chuẩn bị, HTX bắt đầu đón những lượt khách đầu tiên từ tháng 9/2018. Các thành viên HTX đã đóng góp ghe máy, đầu tư nâng cấp tàu du lịch để đưa rước khách đến tham quan HTX mỗi ngày.
Bên cạnh đó, phía doanh nghiệp đầu tư thêm áo phao, bàn ghế, bắt cầu tàu, hỗ trợ kinh phí mua xe đạp phục vụ du khách. HTX chịu trách nhiệm liên kết với nhà dân, phục vụ vấn đề ăn uống, nghỉ ngơi cho du khách trong mỗi chuyến thăm.
Thời gian tới, HTX nông nghiệp Định Thủy sẽ tiếp tục đầu tư các kho bãi, khu vực bán hàng, lắp máy sản xuất chỉ xơ dừa, mụn dừa, dệt thảm, sản xuất thủ công mỹ nghệ từ dừa… để du khách có thể tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu rõ hơn về văn hóa bản địa.
Ông Đặng Trúc Phương – Chủ tịch HĐQT HTX, cho hay: “Làm du lịch sinh thái đồng nghĩa phải bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp nhằm thu hút khách du lịch đến và thuyết phục khách quay trở lại. Vì vậy, các vùng sản xuất trong tour du lịch của HTX được chăm sóc hoàn toàn tự nhiên, đảm bảo vẻ đẹp hoang sơ, gần gũi với thiên nhiên nhất có thể”.
Không chỉ kinh tế, HTX làm du lịch mang lại những lợi ích tích cực về môi trường (Ảnh TL) |
Lợi ích kép
HTX Du lịch – nông nghiệp Bến Tre cũng được thành lập dựa trên chính sách thúc đẩy phát triển du lịch trên nền tảng sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị sản xuất cho nông dân của tỉnh Bến Tre.
HTX được thành lập năm 2016 tại xã Nhơn Thạnh. Đến nay, HTX có 81 thành viên, sản xuất trên tổng diện tích hơn 10ha đất trồng bưởi da xanh, sản lượng khoảng 80 tấn trái/năm.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Nga – thành viên Hội đồng quản trị HTX, cho biết: “Để phục vụ du lịch, 100% diện tích sản xuất của HTX áp dụng quy trình VietGAP. Các loại thuốc trừ sâu, phân bón hóa học được loại bỏ, thay vào đó là phân thuốc hữu cơ, vi sinh, đảm bảo môi trường sạch, không khí trong lành”.
Việc sản xuất sạch không chỉ giúp HTX bảo vệ môi trường sinh thái phục vụ du lịch miệt vườn, mà còn giúp thành viên HTX nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến mục tiêu xuất khẩu trong năm 2021.
Cũng đang hướng mạnh đến phát triển du lịch miệt vườn, HTX nông nghiệp Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú) đang xây dựng vùng trồng xoài tứ quý theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trên vùng đất cát ven biển.
Giám đốc HTX Nguyễn Văn Trường cho hay đơn vị được thành lập từ năm 2016, diện tích trồng xoài tứ quý 30 ha, trong đó 16 ha được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
“Nhờ sản xuất sạch, thành viên HTX đang được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường khoảng 2.000 đồng/kg, bên cạnh đó là những lợi ích tích cực về môi trường sinh thái, vệ sinh thực phẩm, sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng”, anh Trường nhấn mạnh.
Những tên tuổi HTX đang phát triển du lịch miệt vườn tại Bến Tre còn có thể kể đến như HTX Giồng Trôm (huyện Giồng Trôm), HTX An Phú Trung (huyện Ba Tri), HTX Nhơn Thạnh (TP Bến Tre)…
Hiệu quả của các HTX đang là yếu tố nền tảng quan trọng để tỉnh Bến Tre tiếp tục phát triển du lịch sinh thái trên nền tảng nông nghiệp hữu cơ, mang lại giá trị bền vững cho người nông dân.
Hưng Nguyên