Mô hình trồng ớt được HTX Nghĩa Thuận triển khai từ cuối năm 2017, trên tổng diện tích 15 ha. Nhờ sản xuất an toàn, khoa học, mô hình nhanh chóng gặt hái nhiều thành công, năng suất bình quân đạt 35 - 40 tấn quả/ha/vụ, giá bán ổn định ở mức 7.000 - 8.000 đồng/kg, lợi nhuận bình quân đạt 70 - 80 triệu đồng/ha/vụ.
Liên kết sản xuất
Chuyển đổi thành công 1,5 ha trồng ngô sang trồng ớt cao sản, chị Lê Hường - thành viên liên kết của HTX, chia sẻ: “So với ngô, cây ớt cho hiệu quả kinh tế vượt trội. Nếu chăm sóc tốt, ngô cho lợi nhuận bình quân 2 - 3 triệu đồng/sào (360 m2). Với cây ớt, lợi nhuận có thể đạt 7 - 8 triệu đồng/sào”.
Để bảo đảm hiệu quả sản xuất, HTX chủ động liên kết với doanh nghiệp (DN) nhằm hỗ trợ các dịch vụ đầu vào (vốn, giống, phân bón, kỹ thuật…) và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và các hộ nông dân liên kết.
Chuỗi liên kết được hình thành, HTX trở thành đơn vị dẫn dắt sản xuất. Ngay trong vụ đầu tiên, các hộ trồng ớt được HTX hỗ trợ 25 kg lân/sào. Phía DN bảo đảm nguồn vốn vay ưu đãi, cung cấp dịch vụ về phân bón, giống cây bảo đảm chất lượng, giá thành hợp lý và có hình thức trả chậm.
Bên cạnh các dịch vụ đầu vào, DN còn tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật, trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị, phương thức sản xuất an toàn, tập huấn nâng cao kiến thức về sản xuất an toàn toàn, an toàn lao động (ATLĐ), vệ sinh thực phẩm cho các hộ trồng ớt.
Dưới sự tổ chức của HTX, hỗ trợ từ DN, hoạt động sản xuất của các hộ trồng ớt tại Nghĩa Thuận từng bước chuyên nghiệp hóa, khoa học kỹ thuật được đẩy mạnh, người dân tuân thủ đúng quy trình sản xuất an toàn, bảo đảm chất lượng sản phẩm và tuân thủ tuyệt đối các quy định về ATLĐ.
Mô hình ớt cao sản của HTX Nghĩa Thuận đang cho lợi nhuận 70 - 80 triệu đồng/ha |
Phát triển bền vững
Ông Trần Đại Thắng - cán bộ HTX Nghĩa Thuận, chia sẻ: “Sau vụ đầu thành công, tháng 5/2018, HTX mở rộng diện tích sản xuất lên 20 ha. Việc mở rộng diện tích được HTX tính toán kỹ lưỡng để cân bằng cung - cầu, bảo đảm hiệu quả lâu dài cho người trồng ớt”.
Về sản xuất, HTX đang đẩy mạnh phương thức sản xuất an toàn, hướng tới tiêu chuẩn VietGAP, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, đồng thời, đảm bảo ATLĐ cho người sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Trong quá trình sản xuất, quy trình sản xuất an toàn được HTX áp dụng, bắt buộc người sản xuất phải tuân theo. Đơn cử, trong việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, người trồng ớt phải bảo đảm nguyên tắc “bốn đúng” (đúng loại, đúng liều, đúng thời điểm và đúng cách).
Về thương mại, HTX đang đẩy mạnh tìm kiếm, hình thành liên kết trong sản xuất, tiêu thụ với các DN bảo đảm thị trường tiêu thụ ổn định cho người dân. Không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, HTX đang đàm phán với các DN để mở cánh cửa xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm.
“HTX đang đầu tư hiện đại hóa nhằm đẩy mạnh khâu sơ chế, chế biến, đóng gói sản phẩm, nhằm định vị tên tuổi trên thị trường. Với phương thức sản xuất an toàn, khoa học, chất lượng sản phẩm cao, HTX đang rất tự tin trong việc nâng tầm thương hiệu ớt Nghĩa Thuận”, ông Trần Đại Thắng khẳng định.
Hưng Nguyên