Đến nay, mô hình trồng ớt của HTX Liên Dương đã thu hút 73 hộ nông dân tham gia, bình quân mỗi hộ trồng 4 - 6 sào (360 m2/sào) ớt chất lượng cao.
Nhờ được hỗ trợ toàn diện về vốn, kỹ thuật, quy trình sản xuất khoa học, thời tiết thuận lợi, vùng trồng ớt của HTX đang sinh trưởng, phát triển tốt, chất lượng cao, mẫu mã đẹp.
Liên kết sản xuất
Ngay trong năm đầu tiên triển khai mô hình, HTX đã ký kết thành công hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với công ty TNHH ớt Việt Nam. 100% sản phẩm ớt đạt chuẩn của thành viên và các hộ liên kết với HTX Liên Dương được bao tiêu với giá cao va ổn định.
Để các khâu liên kết được chặt chẽ và phát huy hiệu quả, ngay từ đầu vụ, Ban quản trị HTX Liên Dương đã tích cực tuyên truyền về lợi ích, trách nhiệm của người sản xuất khi tham gia liên kết.
HTX cũng nhận được sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình đưa các chuyên gia về kiểm định và đánh giá chất lượng ớt, đàm phán để mở đường đưa ớt Khánh Dương xuất khẩu sang Nhật Bản.
Ông Bùi Văn Lương - Giám đốc HTX Liên Dương, cho biết: “Chuyển dịch cơ cấu cây trồng là một trong những bước ngoặt lớn mà HTX hướng đến. Hiệu quả kinh tế sẽ giúp nông dân từng bước ổn định cuộc sống. Sắp tới, không chỉ có ớt mà chúng tôi còn sẽ quy hoạch và triển khai 1 số mô hình nữa như khoai lang hay ngô ngọt”.
Với ưu thế là thời gian thu hoạch dài, từ cuối năm 2016 đến nay, cây ớt cho thu được 6 đợt, đạt sản lượng 170 tấn quả tươi, được DN bao tiêu 100%. Với giá bán 5.000 - 8.000 đồng/ kg, trừ chi phí đầu t, mỗi sào ớt người trồng đã có thu nhập 3 - 3,5 triệu đồng/đợt.
Mô hình trồng ớt của HTX đang cho hiệu quả cao |
Hiệu quả toàn diện
Đầu năm 2018, HTX Liên Dương mở rộng lĩnh vực sản xuất sang trồng rau an toàn ứng dụng công nghệ cao. Được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, HTX đẩy mạnh chuyển giao KH-KT, xây dựng mô hình nhà lưới và hệ thống tưới nhỏ giọt với diện tích trên 6.000 m2.
Với cơ sở vật chất hiện đại, thành viên và hộ liên kết của HTX được tiếp cận với quy trình sản xuất mới, bảo đảm hiệu quả và an toàn lao động (ATLĐ) trong quá trình canh tác. Các hộ dân được trang bị đầy đủ kiến thức về sản xuất, cách sử dụng máy móc, nông cụ, sử dụng thuốc BVTV, phân bón… nhằm bảo đảm các quy định về ATLĐ, ATVSTP..
Thành công của HTX sau khi chuyển đổi theo Luật HTX 2012 được thể hiện trên nhiều mặt, không chỉ về công tác điều hành sản xuất, kinh doanh, các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, mà còn về mặt đời sống tinh thần, bảo đảm các quy định về ATLĐ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ông Đinh Công Chương - thành viên liên kết với HTX, chia sẻ: “Cái lợi lớn nhất khi liên kết với HTX là chúng tôi được bao tiêu sản phẩm, sau đó, nhờ sản xuất tập trung và quy trình khép kín, giúp công sức, chi phí sản xuất giảm đáng kể, quá trình canh tác cũng thuận lợi và an toàn hơn nhờ nắm vững kỹ thuật”.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ đã góp phần thay đổi các phương thức sản xuất cũ và nâng cao thu nhập cho người dân.
Thành công của mô hình trồng ớt cay xuất khẩu tại HTX Liên Dương và xã Khánh Dương đang trở thành một hướng đi mới, mang đến nhiều hiệu quả tích cực.
Hưng Nguyên