Mỹ Thành là xã thuần nông với tổng diện tích đất nông nghiệp trên 270 ha. Năm 2015, được sự khuyến khích từ chính quyền địa phương, nhiều diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả được người dân chuyển đổi sang trồng cây dược liệu và nhanh chóng tạo nên khác biệt.
Liên kết sản xuất
HTX Mỹ Thành trở thành đơn vị dẫn dắt sản xuất của người nông dân trên địa bàn, trực tiếp thực hiện những chính sách từ địa phương và tổ chức đàm phán, hình thành liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp.
Ông Đinh Tiến Thao - Giám đốc HTX, cho biết mô hình trồng cây dược liệu thuộc dự án liên kết giữa xã Mỹ Thành và công ty Dược Tuệ Linh nhằm hình thành vùng sản xuất tập trung, nâng cao giá trị đất canh tác, mang lại lợi ích bền vững, đồng thời bảo đảm an toàn lao động cho người dân.
Trong mối liên kết “ba nhà”, HTX đóng vai trò đại diện cho người nông dân, tổ chức sản xuất, bảo đảm an toàn lao động; chính quyền địa phương là đơn vị quản lý; phía doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp giống, kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu 100% sản phẩm.
Sau hơn 3 năm triển khai, cây dược liệu đang dần trở thành cây kinh tế chủ lực của địa phương, với diện tích xấp xỉ 20 ha. Với điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, cà gai leo đang là một trong những loại cây mang lại giá trị kinh tế vượt trội.
Theo người dân địa phương, cà gai leo cho thu hoạch sau 6 tháng chăm sóc, năng suất bình quân đạt 2 - 2,5 tạ/lứa/sào. Mỗi đợt thu hoạch, cây được cắt toàn bộ cành, lá, chỉ để lại phần gốc để cây tái sinh chồi. Nếu chăm sóc tốt, sau 4 tháng cây sẽ cho một lứa.
Với giá bình quân 20.000 - 25.000 đồng/ kg, cây cà gai leo sẽ cho thu nhập 12 - 15 triệu đồng/sào. Trừ các khoản chi phí, người trồng có thể thu về trên dưới 10 triệu đồng.
Cà gai leo đang là sản phẩm chủ lực của HTX |
Đẩy mạnh cơ giới hóa
Giám đốc Đinh Tiến Thao cho biết hầu hết diện tích trồng dược liệu hiện tại vốn nằm trên nền đất ruộng cao, có giá trị thấp, khó canh tác. Việc chuyển đổi sang trồng cây dược liệu chính là bước ngoặt thay đổi đời sống của người dân.
Để phát triển lâu dài, ngay từ khi bắt đầu triển khai mô hình, HTX Mỹ Thành đã phối hợp với chính quyền địa phương và doanh nghiệp đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống nhà sơ chế, với đầy đủ các khu sơ chế, lò sấy, kho bảo quản, lồng ươm cây giống.
Quá trình cơ giới hóa cũng được HTX và các đơn vị liên kết đẩy mạnh thực hiện. Các loại máy móc, kỹ thuật mới được đưa vào phục vụ sản xuất, vừa để nâng cao năng suất vừa giảm thiểu sức người, bảo đảm an toàn lao động cho người dân.
Trong quá trình sản xuất, bên cạnh các khóa tập huấn về kỹ thuật, người lao động tham gia mô hình được trang bị kiến thức về an toàn lao động trong quá trình sử dụng máy móc, thiết bị. Hệ thống máy móc cũng được cán bộ HTX kiểm tra, bảo trì thường xuyên nhằm bảo đảm hiệu quả công việc, bảo đảm an toàn trong quá trình vận hành.
“Ngay từ khi triển khai mô hình trồng cây dược liệu, HTX đã xác định phải tạo ra lợi ích toàn diện cho người dân, về cả giá trị kinh tế và đời sống. Vì vậy, bên cạnh hiện đại hóa để nâng cao năng suất, chất lượng, HTX đã chú trọng về an toàn lao động. Đây sẽ tiếp tục là tôn chỉ của HTX trong tương lai nhằm đem lại hiệu quả lâu dài, bền vững cho người dân”, Giám đốc Đinh Tiến Thao nhấn mạnh.
Sáu Ngạn