HTX Cộng đồng Nậm Đăm chuyên trồng và chế biến dược liệu, được xem là điểm sáng khi vùng đất “cổng trời” phía Bắc này đang có nhiều hoạt động bảo tồn, phát triển diện tích trồng cây dược liệu và cơ sở chế biến, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, cũng như phủ xanh đất trống để bảo vệ môi trường.
Phủ xanh bằng cây thuốc
Anh Lý Tà Rèn - Giám đốc HTX, cho biết Quản Bạ là huyện cửa ngõ của cao nguyên đá, với lợi thế có khí hậu mát mẻ nên nguồn dược liệu tự nhiên rất đa dạng, như: Giảo cổ lam, Thảo quả, Ba kích, Đương quy, Đan sâm, Bạch chỉ...
Với khát vọng phát triển tiềm năng, thế mạnh dược liệu của địa phương, anh đã đứng ra vay vốn của ngân hàng để lập HTX Cộng đồng Nậm Đăm.
Nếu chỉ trồng cây dược liệu đơn thuần thì khó có hiệu quả cao, anh Rèn đã vận động hơn 20 hộ dân trong thôn cùng tham gia hợp tác, cho thuê lại đất để mở rộng vùng trồng dược liệu. Các thành viên cùng nhau vay vốn ngân hàng góp lại để mở xưởng chiết xuất, điều chế nhiều loại cao lỏng, thuốc nam từ cây dược liệu chủ lực của địa phương để nâng cao giá trị sản phẩm.
Năm 2014, khi HTX mới đi vào hoạt động, các thành viên trong HTX chỉ có hơn 300 triệu đồng vốn cùng khoảng 10 ha đất trồng dược liệu. Tới nay, diện tích trồng dược liệu đã mở rộng gấp 3 lần và doanh thu của HTX cũng tăng lên khoảng 2 tỷ đồng/năm.
Để có được sự phát triển và lợi nhuận như hiện nay, Giám đốc của HTX đã phải lăn lộn khắp nơi để tìm đầu ra cho sản phẩm. Trước tiên, để sản phẩm đạt chất lượng và có uy tín, anh Rèn đã tìm tới Đại học Dược Hà Nội và nhận được sự giúp đỡ về chuyên môn, quy trình sản xuất của các giảng viên trong trường.
Chế biến dược liệu tươi thành sản phẩm thuốc |
Doanh nghiệp vào cuộc
Sản phẩm làm ra, Giám đốc HTX Lý Tà Rèn lại tìm hướng liên kết với một số doanh nghiệp (DN) dược để tiêu thụ sản phẩm, rồi đích thân mang sản phẩm đi tham gia, giới thiệu tại nhiều hội chợ, triển lãm nông nghiệp và y dược từ Bắc chí Nam.
Theo thống kê của UBND huyện Quản Bạ, tới nay, diện tích cây dược liệu ở địa phương đã lên tới hơn 3.000 ha tại 9/13 xã và thị trấn. Hà Giang đã thu hút được hàng chục DN vào đầu tư phát triển dược liệu trên địa bàn. Mối liên kết 4 nhà trong phát triển sản xuất dược liệu thông qua việc thành lập các HTX, THT vệ tinh đã được hình thành.
Ông Lương Viết Thuần - Giám đốc Sở Y tế Hà Giang, cho rằng việc phát triển các vùng trồng dược liệu trên địa bàn và hình thành mối liên kết giữa người dân, HTX và DN đã bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Một số DN ở dưới xuôi cũng lên vùng đất biên ải này để tổ chức các vùng trồng dược liệu, vì nơi đây có tiềm năng, nguồn dược liệu tự nhiên đa dạng. Có thời điểm, có tới 500 - 600 người dân địa phương làm việc cho các DN. Phần lớn sản phẩm của các DN sau khi được thu hái, sơ chế đều được xuất khẩu sang Nhật Bản hay Hàn Quốc với giá trị cao hơn nhiều so với việc xuất dược liệu thô.
Tuy nhiên để khai thác hiệu quả, phát triển bền vững nguồn dược liệu của địa phương cần hoàn thiện hơn nữa quy hoạch phát triển dược liệu theo hướng cụ thể đến từng cây, từng vùng và từng DN.
Các HTX cần làm tốt công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác, thị trường tiêu thụ sản phẩm từ cây dược liệu. Đồng thời, mở các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho người dân, trồng, sản xuất cây dược liệu theo tiêu chuẩn GACP - WHO để có dược liệu vừa sạch, vừa có tiêu chuẩn chất lượng cao.
Hà Xuyên