Chị Sùng Thị Lan, Giám đốc HTX cho biết, đi vào hoạt động từ năm 2019 đến nay, các thành viên đều cảm thấy tự hào khi không chỉ gìn giữ được nhiều nghề truyền thống có nguy cơ mai một của quê hương mà còn đồng hành cùng bà con vươn lên thoát nghèo.
Biến vải vụn thành tiền
Điểm độc đáo của HTX là không chỉ làm ra những sản phẩm mới mà còn tận dụng ngay những mảnh vải thừa để sáng tạo ra những sản phẩm hoàn thiện, thu hút người tiêu dùng và khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài.
Trước đây, những mảnh vải vụn, vải thừa thường không có giá trị và bị vứt bỏ. Tuy nhiên nhận thấy đây cũng chính là vùng nguyên liệu tiềm năng nên HTX đã giữ lại để làm ra các sản phẩm từ đơn giản đến độc đáo như: dây buộc, túi xách, đồ bắc nồi xoong đến các loại thú nhồi bông, đồ chơi trẻ em, túi đựng điện thoại…
![]() |
Chị Sùng Thị Lan, Giám đốc HTX đã giúp chị em phụ nữ Mông và Giáy tin tưởng vào mô hình HTX. |
Giám đốc Sùng Thị Lan cho biết, để có một tấm vải hoàn thiện, các chị em dân tộc Mông và Giáy đã phải tốn biết bao nhiêu mồ hôi, công sức. Đó là thành quả sau nhiều giờ lao động miệt mài. Thế nhưng khi tấm vải bị cắt ra để may, chúng dường như bị giảm giá trị đi rất nhiều.
“Ở thời đại khoa học kỹ thuật phát triển như hôm nay, việc biến những nguyên liệu bị coi là phế liệu thành tiền không phải là vấn đề khó mà chủ yếu là do con người có tình yêu quê hương đất nước, lòng tâm huyết với nghề truyền thống hay không”, chị Lan tâm sự.
Khi vượt qua được những trở ngại ban đầu cùng với con mắt, đầu óc sáng tạo, vải vụn đã biến thành những sản phẩm độc đáo. Hoạt động này không chỉ gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho thành viên mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Từ những ý nghĩa to lớn của những tấm vải vụn, các thành viên trong quá trình làm việc đều có ý thức giữ gìn, sắp xếp, phân loại phế liệu gọn gàng nhằm thuận lợi cho quá trình sản xuất về sau.
Điểm đến hút khách
Với mục đích khôi phục nghề nhuộm, dệt vải truyền thống, trong quá trình sản xuất, HTX đều dựa theo nguyên tắc tận dụng tối đa nguyên, vật liệu sẵn có trong tự nhiên, tuyệt đối không sử dụng bất kỳ loại hóa chất công nghiệp nào. Một số nguyên liệu sau sản xuất có thể tận dụng làm nguyên liệu cho quá trình tạo ra sản phẩm khác, như: củ nâu, củ mài là nguyên liệu phục vụ cho công đoạn nhuộm vải thì bã của chúng sẽ được thành viên tận dụng nghiền làm nguyên liệu phục vụ nghề làm hương thảo mộc…
HTX cũng thực hiện mô hình tái chế thổ cẩm nhằm hạn chế chất thải ra môi trường. Váy, áo, khăn thổ cẩm cũ của bà con các dân tộc thiểu số sau khi HTX thu mua về sẽ được giặt sạch, nhuộm lại màu bằng nguyên liệu thiên nhiên, may mới thành vỏ gối, lọ hoa, khăn trải bàn, đồ trang trí thổ cẩm có giá trị.
Song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, ban giám đốc HTX đã được Hội Phụ nữ tỉnh tạo điều kiện tham gia lớp tập huấn về sử dụng facebook tại thị trấn Sa Pa. Qua đây, thành viên đã học được rất nhiều kiến thức như đưa sản phẩm lên trang mạng để giới thiệu và chia sẻ các câu chuyện trong sản xuất. Qua đó, khách hàng tin tưởng và trân trọng những sản phẩm của HTX hơn.
Trước đây, những cửa hàng thổ cẩm của thành viên phải chờ khách đến hoặc phải đeo bám khách du lịch để bán sản phẩm. Điều này đã làm mất hình tượng về con người đồng bào dân tộc thiểu số trong mắt du khách. Tuy nhiên, trong thời đại 4.0, thông qua facebook, khách hàng đã chủ động tới cửa hàng và liên lạc với các thành viên. Song song với sử dụng mạng xã hội, HTX còn tổ chức các tour cho du khách trải nghiệm thực tế, trực tiếp tham gia các công đoạn sản xuất các sản phẩm thủ công. Điều này đã tạo sợi dây gắn kết HTX với khách hàng.
“Du khách nước ngoài vẫn thường xuyên chia sẻ trang của HTX Mường Hoa đến bạn bè của họ, từ đó giúp chúng tôi gia tăng lượng khách trực tiếp và gián tiếp”, Giám đốc Sùng Thị Lan tâm sự.
![]() |
Thành viên HTX đã có thu nhập từ 3-5 triệu đồng nhờ tham gia HTX. |
Thời gian tới, HTX mong muốn đẩy mạnh sử dụng facebook hơn nữa để khách hàng biết đến thương hiệu HTX Mường Hoa, nhất là khách nước ngoài. Vì đây là nhóm đối tượng chiếm đến 80% lượng khách của HTX.
Theo chia sẻ của ban giám đốc, phụ nữ dân tộc Mông và Giáy ở thị xã Sa Pa hiện vẫn còn gặp rất nhiều rào cản, định kiến về việc tự chủ làm kinh doanh. Tuy nhiên, các thành viên đều tin tưởng thông qua mô hình HTX và mạng xã hội, chị em sẽ từng bước nâng cao vị trí trong gia đình và xã hội. Từ đó giúp phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số thêm tự tin và hạnh phúc, đóng góp thêm nhiều việc có ích cho quê hương và xã hội.
Tùng Lâm