Từ năm 2008 đến nay, chưa bao giờ dịch bệnh có thể “làm khó” các trang trại nuôi lợn của HTX Minh Thuận. Hiện, HTX đã xây dựng thành công mô hình sản xuất lợn giống quy mô 700-800 con giống/năm, lợn thương phẩm đạt 20 tấn/năm với tỷ lệ bao tiêu đầu ra cho các thành viên chiếm 80-90% sản phẩm.
Quy trình nuôi hiện đại, khép kín
Hỏi đến bà Tô Thị Bắc (đội 10), người dân nơi đây không ai là không biết. Bởi, bà không chỉ là một nữ giám đốc HTX dám nghĩ, dám làm, mà còn đang sở hữu trang trại nuôi lợn quy mô lớn nhất xã Phúc Than, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng chục lao động địa phương.
Khu nuôi lợn của HTX được bố trí bài bản, phù hợp với từng độ tuổi. |
Qua câu chuyện phát triển chăn nuôi lợn của mình, bà Bắc kể lại: “Năm 2008, hết “bão giá” lại đến “bão dịch”, người chăn nuôi lợn như chúng tôi đứng ngồi không yên. Có thời điểm, giá lợn rớt quá, nhiều lúc có ý định đóng cửa vì sợ đòi nợ…”.
Để ứng phó có tính lâu dài và chắc chắn, Giám đốc HTX Minh Thuận chủ động liên kết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, định hướng phát triển quy mô và tìm đầu ra ổn định.
Cho đến năm 2017, từ Dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm năng suất, chất lượng cao được Sở KH&CN hỗ trợ với kinh phí trên 1 tỷ đồng, HTX Minh Thuận đã phát triển chăn nuôi công nghệ cao theo quy trình khép kín, hiện đại.
Các thành viên bắt tay vào cải tạo chuồng trại, thay mới hệ thống cung cấp nước uống, máng ăn, xây dựng đường dẫn lợn, vừa giảm chi phí vừa hạn chế dịch bệnh.
Khu nuôi của HTX được xây dựng bài bản, các ô chuồng sắp xếp, bố trí phù hợp với từng độ tuổi của vật nuôi; hệ thống đèn, quạt điều hòa không khí hoạt động 24/24 giờ.
Theo bà Bắc, thành công hay thất bại ở việc chăn nuôi là phòng ngừa dịch bệnh. Vì thế, định kỳ 6 tháng, các thành viên HTX thực hiện tiêm đầy đủ vắc xin cho lợn: Tụ huyết trùng, tai xanh, lở mồm long móng, khô thai... cho đàn lợn nái; chống còi xương, phòng bệnh tả, tụ huyết trùng... cho đàn lợn con.
Trong quá trình chăn nuôi, việc lắp đặt hầm biogas tại các trang trại của HTX không chỉ góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, mà còn đem lại nguồn khí đốt tiện dụng, cung cấp một lượng phân bón giàu chất dinh dưỡng chăm sóc cây trồng, tạo thêm nguồn thu nhập cho bà con.
Mặc dù mỗi thành viên nuôi hàng chục con lợn nái và cả trăm con lợn thịt, nhưng chuồng trại lại không hề có mùi đặc trưng như thường thấy ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Ngoài nuôi lợn, HTX còn nuôi thêm 500 con thỏ, 50 con trâu sinh sản, hơn 600 gà đẻ trứng, mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng.
Đến nay, sản phẩm chăn nuôi của HTX đã có uy tín trên thị trường, chất lượng lợn thịt được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao.
“Nói không” với dịch bệnh
Xác định chăn nuôi lợn quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, HTX đã mạnh dạn chuyển hướng sang chăn nuôi lợn an toàn sinh học. Với phương châm này, HTX Minh Thuận đã vận hành trơn tru quy trình chăn nuôi khép kín, “nói không” với dịch bệnh, an toàn cho lợn và “khỏe” cho người.
Chăn nuôi theo hướng an toàn khép kín, trang trại lợn ở HTX Minh Thuận đảm bảo hiệu quả kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. |
Trải qua “bão” dịch bủa vây, HTX càng siết chặt công tác phòng chống dịch cho lợn và môi trường chuồng trại. Ngoài đảm bảo cho khuôn viên trong và ngoài chuồng nuôi luôn sạch sẽ, thoáng mát, HTX còn kiểm soát chặt người và phương tiện ra vào trang trại, tăng cường khử trùng khi xe vận chuyển thức ăn tới.
Năm 2019, nhiều hộ nuôi lợn trong xã bị dịch tả lợn châu Phi, song đàn lợn 32 nái và 160 lợn thịt của ông Điêu Văn Huân vẫn luôn an toàn. Thời điểm này, gia đình ông chuẩn bị xuất chuồng 40 con lợn thịt với tổng trọng lượng gần 4 tấn.
“Thời gian qua, dù giá thức ăn và chi phí phòng chống dịch bệnh khá cao, song với mức giá 55.000 đồng/kg thịt lợn hơi hiện nay, gia đình tôi vẫn đảm bảo có lãi 1 triệu đồng/con”, ông Huân nói.
Bà Bắc cho biết, mỗi tháng, HTX chi hàng triệu đồng để mua vắc-xin phòng bệnh và đầu tư hệ thống xử lý môi trường. Nhờ đó, 3 con lợn đực, 80 con lợn nái sinh sản, hơn 1.700 lợn giống và thương phẩm của HTX đều phát triển tốt.
Vừa qua, HTX Minh Thuận xuất bán trên 200 con lợn thịt và hơn 200 con lợn giống, với lứa lợn này, sau khi trừ chi phí, các thành viên thu lãi hơn 300 triệu đồng. Năm 2020, HTX đạt doanh thu 5 tỷ đồng và đang hướng tới mục tiêu 7 tỷ đồng trong năm 2022.
Ông Phạm Anh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đánh giá: “Thời gian qua, nhờ chăn nuôi theo hướng an toàn mà tất cả các doanh nghiệp, HTX và chủ trang trại trên địa bàn tỉnh đã phòng, chống và kiểm soát khá tốt dịch tả lợn châu Phi. Hiện nay, Chi cục tăng cường công tác kiểm tra, khuyến khích tổ chức, cá nhân tái đàn, mở rộng quy trình khép kín, phát triển chăn nuôi bền vững...”.
Tô Thương