Hàm Tử là nơi có truyền thống trồng nhãn. Nhưng một thực tế là trước khi có HTX Miền Thiết, nhiều hộ dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) một cách bừa bãi.
HTX Miền Thiết ra đời như “làn gió mới”, thay đổi thói quen, nếp nghĩ thường ngày của không ít hộ nông dân trồng nhãn. Nhiều người cũng từ đó mà trở thành thành viên của HTX.
Thay đổi cách sản xuất
HTX Miền Thiết hiện nay có 10 ha nhãn chín muộn Miền Thiết được sản xuất theo quy trình VietGAP. Ông Nguyễn Văn Thế - Giám đốc HTX, chia sẻ với mục tiêu giải quyết những tồn tại, hạn chế trong trồng nhãn truyền thống, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, hướng tới một nền sản xuất an toàn, HTX hỗ trợ các thành viên rất nhiều trong việc áp dụng mô hình sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.
Vào HTX, các thành viên được tập huấn đầy đủ về kỹ thuật, phương thức sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP từ khâu giống, đất trồng, phân bón, thuốc BVTV… đến khâu thu hoạch.
Các thành viên được tập huấn kỹ thuật chăm sóc phù hợp với từng giai đoạn phát triển của nhãn, do vậy cây ít sâu bệnh hơn. Việc sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc BVTV cũng hạn chế, thay vào đó là phân bón hữu cơ, thuốc sinh học.
Nhờ vậy trong vụ nhãn năm 2017, HTX đã tiêu thụ được hơn 100 tấn nhãn quả qua hệ thống các siêu thị Nhất Nam, BigC, Vineco. Kế hoạch mùa nhãn 2018 này, HTX sẽ có hơn 300 tấn nhãn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP, dự kiến giá bán 30.000 đồng/kg, thời vụ cho thu hoạch từ cuối tháng 7 đến hết tháng 9.
Chị Nguyễn Thị Đào - thành viên HTX, chia sẻ: Quả nhãn VietGAP do HTX trồng luôn bán được tại vườn với giá cao hơn ngoài thị trường 25 - 30%. Người trồng nhãn cũng thấy phấn khởi vì đầu ra không quá khó khăn.
Năm 2017, HTX đã tiêu thụ được hơn 100 tấn nhãn quả |
Môi trường thay đổi tích cực
Bên cạnh những hiệu quả về kinh tế do áp dụng phương pháp VietGAP, các thành viên trong HTX còn xác định được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm chất lượng sản phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, không thể phủ nhận những lợi ích môi trường do mô hình đem lại.
Trong những năm qua, cây nhãn ở Hàm Tử đã có lúc đứng trước khó khăn về đầu ra, thương lái ép giá do trong quá trình trồng, người dân đã chạy theo hướng tăng số lượng bằng cách sử dụng nhiều phân bón, hóa chất BVTV.
Việc lạm dụng các loại phân bón, thuốc BVTV, chất kích thích sinh trưởng, chất bảo quản đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng cũng như sự phát triển bền vững.
Tuy nhiên, điều này đang dần được thay đổi, khi mô hình sản xuất nhãn chín muộn của HTX Miền Thiết đi vào hoạt động. Thông qua HTX, các thành viên kiểm soát được lượng phân bón, nước tưới cũng như tình hình sâu bệnh, dư lượng thuốc BVTV mà vẫn bảo đảm chất lượng, màu sắc của quả nhãn với trọng lượng đồng đều, cùi dày, thịt ngọt.
HTX sử dụng cây giống khỏe, sạch bệnh. Vườn trồng được cách ly với diện tích sản xuất của nông dân bằng dải phân cách. Nguồn nước, đất, phân bón, thuốc BVTV đều được các cơ quan chức năng lấy mẫu, kiểm tra thường xuyên.
Những tác động tích cực đến môi trường do việc trồng nhãn chín muộn theo phương pháp an toàn đem lại là môi trường đất, nước, không khí được bảo đảm, sức khỏe của người trồng nhãn cũng như người sử dụng được cải thiện.
Chị Nguyễn Thị Đào khẳng định, từ khi tập trung sản xuất nhãn sạch, chị ít phải phun thuốc sâu, có phun cũng toàn thuốc sinh học. Chị không phải lo lắng chuyện ảnh hưởng tới sức khỏe hay ô nhiễm môi trường vì đã làm đúng theo quy trình. Nếu không làm vậy, nhãn do gia đình chị trồng không được thu mua lại thêm thiệt hại về sức khỏe và môi trường.
Như Yến