HTX Minh Toàn Lợi thu hút 217 hộ thành viên với 970 nhân khẩu tại hai xã Ea Púk và Ea Tam. Với diện tích hơn 300 ha, Minh Toàn Lợi là HTX có quy mô lớn nhất về trồng và chế biến các sản phẩm cà phê ở Đắk Lắk.
Chú trọng quyền lợi thành viên
Khi đi vào hoạt động, những người đứng đầu luôn xác định dù tập trung sản xuất loại cây nào cũng phải bảo đảm được quyền lợi, lợi nhuận cho thành viên. Có như thế nhân dân mới gắn bó với HTX lâu dài.
Muốn làm được điều đó phải chú trọng chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, ngay từ ngày đầu, HTX đã mời các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật ở Viện EaKmat Tây Nguyên, kết nối với các dự án để tập huấn cho bà con. Đồng thời phối hợp tổ chức tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại ở cây cà phê.
Nhờ đó, thành viên ngày càng nắm vững về kỹ thuật sản xuất. HTX cũng lấy mẫu đất đem phân tích nhằm điều chỉnh lượng phân bón phù hợp, tiết giảm được chi phí sản xuất cũng như góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Đặc biệt, HTX đã đăng ký sản xuất theo quy trình UTZ (chương trình phát triển bền vững cho cà phê, ca cao và chè, hỗ trợ hộ dân, tổ hợp tác, HTX hợp tác cùng các thương hiệu hiện có) và FLO (chứng nhận hoạt động vì mục đích đảm bảo lợi ích cho người nông tham gia dân trồng và sản xuất cà phê trên toàn thế giới).
Người dân gắn bó với cây cà phê nhờ tham gia HTX. |
Chỉ tính riêng quy trình UTZ, để đạt được chứng nhận, các thành viên phải vượt qua bộ quy tắc gồm 11 chương và 175 tiêu chí về sản xuất cà phê chất lượng cao. Tuy nhiên, bằng sự đồng lòng, năm 2012, HTX được cấp chứng nhận UTZ và năm 2015 được cấp chứng nhận FLO. Đây là những chứng nhận uy tín về chất lượng sản phẩm, giúp HTX đến gần hơn với các nhà sản xuất.
Khi liên kết với doanh nghiệp chế biến để xuất khẩu cà phê, giá tối thiểu của sản phẩm là 40,5 triệu đồng/tấn, trong khi đó, doanh nghiệp chấp nhận hỗ trợ HTX 9,6 triệu đồng/tấn trước khi sản xuất, số tiền còn lại sẽ được thanh toán khi hoàn thành hợp đồng bao tiêu. Theo Ban giám đốc HTX, mối liên kết này giúp giá mỗi tấn cà phê tăng khoảng 14 - 15 triệu đồng so với sản xuất thông thường. Đây là điều kiện giúp thành viên từng bước nâng cao đời sống và giảm nghèo bền vững.
Nếu năm 2012, HTX chỉ có 33 hộ khá giả (thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên) thì đến cuối năm 2019 đã có 176 hộ khá giả, không còn hộ nào thuộc diện đói nghèo.
Nâng cao vị thế, giá trị của cây cà phê
Có thể nói, với mức thu nhập và hộ khá giả như kể trên, HTX Minh Toàn Lợi là một minh chứng sống động cho mô hình HTX kiểu mới, làm ăn có hiệu quả trên miền đất Tây Nguyên, nhất là những năm gần đây, thời tiết diễn biến bất thường, giá cả nhiều mặt hàng tăng cao…
Đặc biệt, hoạt động của HTX đã góp phần nâng cao vị thế, giá trị của cây cà phê trên thị trường, góp phần vào quá trình giảm nghèo của huyện.
Trong 5 năm qua, một trong những định hướng giảm nghèo ở Krông Năng là tiếp tục hỗ trợ người dân phát triển sản xuất dựa vào những cây thế mạnh của địa phương theo hướng hàng hóa, đồng thời hình thành các tổ hợp tác, HTX để liên kết với các doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Nắm bắt được điều này, HTX Minh Toàn Lợi đã tích cực liên kết nhân dân sản xuất trên cánh đồng lớn nhằm nâng cao giá trị và thu nhập cho thành viên. Đặc biệt, từ nguồn vốn hoạt động hiệu quả, HTX tiếp tục cho các hộ nghèo vay không lấy lãi để phát triển sản xuất.
HTX tích cực tham gia hội chợ để mở rộng đầu ra, từ đó tạo nền tảng để người dân nâng cao thu nhập. |
Theo đại diện UBND huyện, khi thành lập các tổ hợp tác, HTX, việc phân bổ nguồn vốn hỗ trợ người nghèo được thuận lợi hơn vì có HTX đứng ra chịu trách nhiệm và định hướng người dân sản xuất. Chính vì vậy, hiện nay, toàn huyện đã có 43 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 5 tổ hợp tác. Đặc biệt, Krông Năng đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong giai đoạn 2016 – 2020 gồm các sản phẩm như cà phê, mắc ca, trong đó có 4 tổ hợp tác liên kết sản xuất cà phê bền vững, 4 HTX sản xuất cà phê bền vững liên kết với công ty, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê.
Đây chính là những mô hình hoạt động hiệu quả, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo. Theo số liệu của Phòng Lao động Thương binh và xã hội huyện, giá trị sản xuất bình quân đầu người năm 2019 đạt 87,34 triệu đồng, tăng 28,82 triệu đồng so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2019 chỉ còn 7,2%, giảm 9,8% so với năm 2015.
Để tiếp tục giảm nghèo một cách bền vững, trong thời gian tới, huyện Krông Năng tiếp tục tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ thông qua các tổ hợp tác, HTX để nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng cho các xã đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Song song đó là thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện chính sách giảm nghèo tới đối tượng thụ hưởng.
Huyền Trang