Các thành viên HTX đều là những người từ độ tuổi 18-40. Thay vì kinh doanh đơn lẻ, lộn xộn, chộp giật như trước, khi thành lập HTX, các thành viên buộc phải tuân thủ theo những nguyên tắc chung nhằm phát triển bền vững.
Sản xuất theo chuỗi
HTX Lý Sơn Xanh với mong muốn tận dụng những thế mạnh tại đảo Lý Sơn để phát triển các loại hình dịch vụ theo hướng bền vững. Đầu tiên là sản phẩm nước mắm thương hiệu Lý Sơn. Để có sản phẩm đặc trưng sản xuất theo phương thức truyền thống, HTX đã tham gia chuỗi giá trị. Trong chuỗi, HTX liên kết với các đơn vị để làm tốt các khâu từ đầu vào cho tới đầu ra, trong đó, HTX nằm ở khâu chế biến, đóng gói, cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở kinh doanh, tiêu thụ.
Nước mắm của HTX Lý Sơn Xanh |
Theo ông Ngô Đình Thính, Giám đốc HTX, việc tham gia chuỗi là thể hiện trách nhiệm của HTX với người tiêu dùng và cộng đồng về sản phẩm của mình khi đưa ra thị trường. HTX hiện thu mua cá của một số tàu cá, 1 công ty muối để sản xuất nước mắm.
Bình quân mỗi năm, HTX sản xuất ra 300-500 lít nước mắm. Ngoài đóng gói tiêu thụ trong tỉnh, cơ sở cung cấp nước mắm thô cho các đơn vị chế biến nước mắm. Đặc biệt, nước mắm của HTX còn chủ yếu là sản phẩm phục vụ khách du lịch khi đến đảo Lý Sơn.
Trong quá trình sản xuất nước mắm, ngay từ đầu khi thu mua nguyên liệu từ các tàu cá, HTX đã ký kết với các chủ tàu dưới sự quản lý của Chi cục chất lượng quản lý nông lâm thủy sản Quảng Ngãi về cam kết tuyệt đối không có chất phụ gia như chất bảo quản, u rê… Khi vào đến xưởng, đội ngũ kỹ thuật phải kiểm tra, đảm bảo cá đạt yêu cầu sản xuất không được ươn, không có tạp chất. Trong quá trình sản xuất, HTX phải tuân thủ vấn đề chăm sóc lều chợp (nơi sản xuất nước mắm), thường xuyên kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi cung cấp nước mắm ra thị trường hay cho nhà phân phối, nhà phân phối và các đơn vị chức năng sẽ tiến hành kiểm tra các chỉ tiêu theo yêu cầu về muối, axit amin, đạm… Nếu đúng tiêu chuẩn, sản phẩm mới được cho ra thị trường.
Hiện nay, ngoài sản phẩm chủ lực là nước mắm, HTX còn cung cấp các sản phẩm đặc trưng của đảo Lý Sơn như chả cá, dầu đậu phộng, hành, tỏi… Đến nay, riêng lĩnh vực sản xuất nước mắm, HTX đã tạo việc làm cho 20 thành viên với mức lương trung bình là 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Chú trọng bảo vệ môi trường
Ngoài sản xuất và cung cấp các sản phẩm đặc trưng của địa phương, HTX đã mở rộng các dịch vụ phục vụ khách du lịch như: chở khách bằng xe điện, chèo thuyền thúng… ra đảo lặn ngắm san hô… Bằng những lời mời chào chuyên nghiệp, giới thiệu đến du khách về vẻ đẹp dưới đáy đại dương ở Lý Sơn được trình bày hấp dẫn và cách phục vụ nhiệt tình, khách du lịch đến đây đều hà lòng với dịch vụ của HTX.
Nếu như trước đây, người dân trên đảo Lý Sơn làm nghề chở du khách lặn ngắm san hô nhưng mạnh ai nấy làm. “Chèo kéo khách, rồi cự cãi khi người này cho rằng người kia cướp khách của mình thì nay, mô hình hoạt động chuyên nghiệp của HTX đã làm thay đổi nhận thức của nhiều người dân.
Theo Ban Giám đốc HTX, hoạt động chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ chính là cách khiến du khách không ngán ngẩm mỗi khi đến hay nghe nói và du lịch nơi đây. Ngoài đổi mới các loại hình phương tiện,đầu tư thêm xe chở khách bằng năng lượng mặt trời, HTX còn dùng mạng xã hội để quảng bá dịch vụ và vẻ đẹp thiên nhiên, tìm kiếm đầu mối hợp tác lâu dài.
Đến nay, đội thuyền thúng và lái xe chở khách của HTX đã lên đến 50 người, tuân thủ theo nguyên tắc cùng có lợi. Vé thu các loại hình dịch vụ được niêm yết rõ ràng, thành viên không được tự ý nâng giá hoặc hạ giá tùy ý.
Trong quá trình hoạt động, các thành viên cũng nhắc nhở, tuyên truyền đến mọi người về vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ đảo như giữ rạn san hô, hệ địa chất, không vứt rác bừa bãi, không khai thác trái phép thủy hải sản...
Đặc biệt, HTX còn làm những thùng rác ngộ nghĩnh, có thể thả nổi dưới nước để khách du lịch dễ dàng cho rác vào đúng nơi quy định.Các buổi phát động vệ sinh trên đảo với những người nổi tiếng cũng được HTX thực hiện nhằm lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường.
“Chúng tôi muốn bảo vệ đảo Lý Sơn như thuở hồng hoang. Mọi tác động đều phải thông qua cộng đồng. Đã đến lúc chúng tôi tham gia công tác bảo tồn để nâng cao nhận thức của mọi người” –ông Ngô Đình Thính chia sẻ thêm.
Những năm trước, những con đường ven biển Lý Sơn ngập ngụa trong rác thải. Từ chai nhựa, lọ thủy tinh đến túi nilon… Chính quyền đau đầu tìm cách giải quyết, còn du khách thì ngán ngẩm. Nhưng giờ rác thải ít dần theo thời gian nhờ sự hoạt động tích cực của HTX.
Những lời kêu gọi dọn rác thải thường trực xuất hiện mỗi tuần. Chẳng ai bảo ai, mỗi khi đọc thấy thanh niên trên đảo liền chủ động ra bờ biển dọn rác. Mỗi khi có rác là có các thành viên HTX chung tay.
Như Yến