Được thành lập từ năm 2018, HTX Chấu Rế (Thành Tín, Phước Hải, Ninh Thuận) xuất phát điểm với 73 thành viên, toàn bộ là người dân tộc Chăm. HTX hoạt động chính với nghề trồng lúa và măng tây xanh, cùng các dịch vụ khác như cung ứng giống, vật tư, tín dụng…
Sức lan tỏa từ những "điểm sáng"
Sau hơn 3 năm đi vào sản xuất, sự chủ động trong ứng dụng công nghệ cao, trong đó có hệ thống tưới tiết kiệm theo tiêu chuẩn Israel, đang giúp HTX Chấu Rế liên tục có những bước tiến vững vàng, mang lại giá trị kép về kinh tế và môi trường sinh thái.
Ứng dụng công nghệ Israel giúp các HTX nâng cao giá trị sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái (Ảnh NK). |
Với tôn chỉ, mục đích rõ ràng, HTX Chấu Rế nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan quản lý. Đơn cử, năm 2019, Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức SNV (Hà Lan) hỗ trợ HTX phát triển mô hình trồng măng tây xanh theo công nghệ Israel.
Theo đó, HTX được hỗ trợ kỹ thuật tưới nước tiết kiệm/hệ thống tưới nhỏ giọt, mua giống măng tây chất lượng cao, đào tạo và tập huấn kỹ thuật trồng măng tây theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn sinh thái, hoàn thiện điểm tập trung, tiêu thụ sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...
Bên cạnh măng tây xanh, HTX Chấu Rế cũng đang rất thành công với mô hình sản xuất lúa theo chuẩn SRI (hệ thống thâm canh lúa cải tiến). Hiện, HTX đang canh tác trên tổng diện tích hơn 40 ha, 100% được áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt và biện pháp quản lý sâu bệnh hại tổng hợp IPM.
Bà Châu Thị Xéo, Giám đốc HTX, chia sẻ: “Cả hai mô hình trồng măng tây và lúa của HTX đều đang cho thấy hiệu quả cao về kinh tế và đặc biệt là những giá trị ưu việt về môi trường sinh thái đến từ công nghệ Israel”.
Cụ thể, việc tưới nhỏ giọt giúp HTX tiết kiệm tối đa nguồn nước, thứ tài nguyên được đánh giá "quý hơn vàng" trên vùng đất cát Ninh Thuận. Các vùng trồng măng tây và lúa của HTX cũng góp phần hạn chế tình trạng cát lấn, hoang mạc hóa tại địa phương.
Việc ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cùng các kỹ thuật tiên tiến khác cũng giúp HTX giảm thiểu hơn 75% lượng hóa chất sử dụng, góp phần bảo vệ nguồn nước, môi trường đất, gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khỏe thành viên, người tiêu dùng.
Tương tự, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Nguyên Khang - Hải Lăng Garden (huyện Hải Lăng) đang trở thành đơn vị tiên phong áp dụng thành công công nghệ Israel vào sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Với số vốn ban đầu 2 tỷ, HTX đầu tư xây dựng hệ thống nhà kính, triển khai mô hình trồng rau thủy canh chất lượng cao. Sau rau xà lách, HTX tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa các loại rau chất lượng cao khác, như cà chua, dưa..., đặc biệt là phát triển các loại rau quả trái mùa, có giá trị cao.
Đón đầu các cơ hội
Báo cáo kỹ thuật của HTX Nguyên Khang - Hải Lăng Garden cho thấy, áp dụng công nghệ trồng rau thủy canh trong nhà kính giúp tăng năng suất 2 - 3 lần. Công nghệ Israel cũng giúp HTX giảm thiểu lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, qua đó bảo vệ môi trường xanh, sạch, trong lành.
Trên đây chỉ là 2 trong số hàng nghìn HTX trên cả nước có ứng dụng toàn bộ hoặc một phần công nghệ Israel vào sản xuất, cho hiệu quả cao. Đặc biệt, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, trong đó có Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX các địa phương đang giúp các HTX bắt nhịp với xu hướng nông nghiệp chung.
Nông nghiệp hiện đại, với điển hình là công nghệ Israel là xu hướng toàn cầu, các HTX cần chủ động nắm bắt (Ảnh NK). |
Theo tìm hiểu, Việt Nam đang chuẩn bị ký Hiệp định hợp tác lao động với Israel. Theo thỏa thuận, lao động Việt Nam sẽ được đưa sang Israel để học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là cơ hội mở với nông dân trong nước, trong đó có thành viên HTX.
Giống như ở Thái Lan, Việt Nam hiện cũng có các nhà kính do Israel hỗ trợ, điển hình như ở tỉnh Vĩnh Phúc. Nông dân đã trồng thành công một số loại rau bằng kỹ thuật thủy canh. Israel cung cấp chủ yếu là công nghệ, như hệ thống tưới nhỏ giọt, sử dụng nước hiệu quả và ít phụ thuộc vào năng lượng hơn.
Theo thống kê của tờ Nikkei, công nghệ nông nghiệp giúp Israel sản xuất 300 tấn cà chua mỗi héc ta, cao hơn nhiều so với mức trung bình là 50 tấn/ha trên thế giới. Israel cũng là nước đi đầu trong xử lý sau thu hoạch, chỉ có 0,5% thất thoát về ngũ cốc, so với tỷ lệ 20% trên toàn cầu.
Trong bối cảnh nhiều nước phải đối mặt với các mối đe dọa về an ninh lương thực do biến đổi khí hậu và gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19, kinh nghiệm của Israel về nông nghiệp hiện đại, thân thiện môi trường được nhắc đến như một trong số các giải pháp ưu việt.
Có thể thấy, nông nghiệp hiện đại là xu thế phát triển chung trên toàn cầu. Trong thời gian tới, cùng với toàn ngành nông nghiệp, các HTX cần tiếp tục đẩy mạnh các công nghệ bền vững gắn với môi trường, tiết kiệm nước, như tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel để gia tăng giá trị sản xuất.
Một “bài toán” khó khác cần giải hết trong các năm tới là chi phí áp dụng công nghệ. Đặc biệt, với khu vực HTX, đa phần nông dân vẫn dựa vào sức lao động giá rẻ trong canh tác, cần một sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ trực tiếp, thiết thực hơn nữa về vốn, đất đai, thị trường…
Hưng Nguyên