Mô hình cấy lúa hàng biên được triển khai trên địa bàn xã Lê Thanh từ năm 2016. HTX Lê Thanh là đơn vị tiên phong, thí điểm trên diện tích 0,95 ha, với 4 giống lúa chất lượng cao là TBR 225, Nếp 97, RVT và Khang dân 18 và nhanh chóng cho thấy tính ưu việt rõ rệt.
Hiệu quả vượt trội
Phương pháp cấy mới giúp năng suất lúa tăng 19 - 25% so với cấy lúa truyền thống, chất lượng gạo gia tăng. Số hạt bình quân của bông lúa tăng 19%, số hạt chắc/bông tăng 38%, số bông/khóm tăng 2 - 3 lần, năng suất tăng 14,2% và giảm chi phí sản xuất 25 - 28%.
Cây lúa sinh trưởng mạnh, sức đề kháng cao, ít sâu bệnh, giúp các hộ sản xuất tiết kiệm 50% giống, 40 - 50% công làm mạ, công cấy, 50% công lao động, 70% chi phí thuốc bảo vệ thực vật và 33% lượng phân bón phục vụ sản xuất.
Chị Nguyễn Thị Thúy - thành viên HTX, chia sẻ: “Cấy theo hiệu ứng hàng biên, hiệu quả cây lúa tăng 440 - 460 nghìn đồng/sào (tương đương trên 12,3 triệu đồng/ha) so với phương pháp cấy thông thường, năng suất, chất lượng tăng đáng kể”.
Điển hình như giống lúa Thiên ưu 8 đạt năng suất 74 tạ/ha (266,4 kg/ sào), giống lúa Nếp 97 đạt năng suất 77,5 tạ/ha (279 kg/sào), giống lúa Bắc thơm số 7 đạt 70 tạ/ ha (252 kg/sào ), giống lúa TH 3 - 3, TH 3 - 4 đạt 78 tạ/ha (280 kg/sào).
Việc cấy thưa theo tỷ lệ khoa học khiến tất cả các cây lúa, hàng lúa đều nhận được ánh sáng tốt để quang hợp, giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Lúa cứng cây, khả năng chống chịu sâu bệnh cao hơn, đồng thời, sự thông thoáng giữa các hàng lúa cũng giúp quá trình chăm bón, làm cỏ dễ dàng hơn.
Kết quả ghi chép của tổ sản xuất HTX Lê Thanh cho thấy giá trị bình quân của tất cả các giống lúa sản xuất theo phương pháp mới tăng 9,3%. Công lao động giảm 2 - 2,5 lần, giúp gia đình hai người có thể cấy 4 - 5 sào, thay vì chỉ 2,5 - 3 sào như khi triển khai phương pháp cấy thường.
Công nghệ cấy lúa hàng biên đang mang lại lợi ích kép cho thành viên HTX |
Điểm nhấn “ba giảm”
Ông Phạm Văn Hai - Giám đốc HTX Lê Thanh, chia sẻ sau hơn 3 năm triển khai, phương pháp cấy lúa theo hiệu ứng hàng biên đang cho thấy tính ưu việt vượt trội. Không chỉ gia tăng giá trị kinh tế, phương pháp mới đang tạo nên sự thay đổi lớn trong tư duy sản xuất của người dân.
“Có ba điểm nhấn mà phương pháp cấy hàng biên đem lại là giảm công lao động, giảm thuốc bảo vệ thực vật và giảm phân bón. Ba điểm nhấn này đang tạo nên diện mạo mới cho những cánh đồng tại Lê Thanh, hiệu quả hơn và an toàn hơn”, Giám đốc Hai nhấn mạnh.
Cùng với quá trình triển khai cấy lúa hàng biên, các loại máy móc, thiết bị, kỹ thuật mới cũng được HTX đưa vào sử dụng, giúp nông dân giảm công lao động, bảo đảm an toàn lao động trên đồng ruộng.
Cụ thể, khi đưa các loại máy móc vào sử dụng, HTX tổ chức hướng dẫn cho thành viên về phương pháp vận hành, quy định về an toàn lao động, đồng thời, tổ chức tập huấn, nâng cao ý thức về sản xuất an toàn; hỗ trợ và khuyến khích người dân trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ trong quá trình sản xuất.
Việc giảm tới 70% lượng thuốc bảo vệ thực vật và 33% phân bón giúp môi trường sống tại các vùng sản xuất xã Lê Thanh được cải thiện đáng kể, sức khỏe của người dân được nâng lên, các nguy cơ về bệnh nghề nghiệp được giảm thiểu.
Năng suất, chất lượng và an toàn lao động chính là thành công lớn nhất của phương pháp cấy lúa theo hiệu ứng hàng biên đem lại.
“Hiện tại, 100% các hộ cấy lúa của HTX đang ứng dụng cấy lúa hàng biên. Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với địa phương, trở thành đơn vị đi đầu trong quá trình nhân rộng mô hình trên toàn địa bàn, hướng đến một nền nông nghiệp sạch và an toàn”, Giám đốc Phạm Văn Hai cho hay.
Hưng Nguyên