Gần 8 năm phát triển, từ một HTX có quy mô nhỏ, thu không đủ bù chi, vốn điều lệ ban đầu chỉ khoảng 60 triệu đồng, đến nay, số vốn điều lệ HTX đã tăng lên 600 triệu đồng, duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, doanh thu đạt xấp xỉ 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho khoảng 20 lao động với mức thu nhập 5 – 6 triệu đồng/người/tháng.
Nhân lực được quan tâm
Ông Dương Hữu Chức - Giám đốc HTX cho biết: “Để có được thành công trong thời gian qua, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố tiên quyết, được HTX đặc biệt quan tâm. Ngay từ khi thành lập, HTX đã chú trọng kết hợp giữa những người giàu kinh nghiệm, cần cù, chịu khó với những người có trình độ chuyên môn cao”.
Năm 2017, HTX Lê Hồng Phong là một trong 10 HTX được UBND tỉnh Lạng Sơn chọn làm thí điểm đưa trí thức trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc. Được sự hỗ trợ, HTX đã bổ sung thành viên là cử nhân chuyên ngành chăn nuôi, thú y, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động.
Không chỉ chú trọng đội ngũ cán bộ quản lý, HTX cũng đẩy mạnh nâng cao trình độ canh tác, kỹ thuật sản xuất an toàn cho thành viên, người lao động, đảm bảo các quy định về an toàn lao động (ATLĐ), vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Ông Dương Hữu Vinh - thành viên HTX chia sẻ: “Từ khi tham gia vào HTX, tôi và các hộ thành viên khác được trang bị kiến thức, khoa học - kỹ thuật áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi, đảm bảo quá trình sản xuất phát huy hiệu quả cao nhất, đồng thời đảm bảo các quy định về ATLĐ, môi trường”.
“Đơn cử, trong quá trình xử lý chất thải, chúng tôi được hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng hầm biogas, vừa để có thêm chất đốt, tiết kiệm chi phí, vừa để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tránh các rủi ro về sức khỏe, dịch bệnh cho người và cho vật nuôi”, ông Vinh tiếp tục.
Nuôi cá lồng là một trong những ngành chủ lực của HTX Lê Hồng Phong |
Mở rộng mạng lưới liên kết
Trước những đòi hỏi của thị trường, HTX đang hình thành liên kết với các HTX trong cùng lĩnh vực tại nhiều tỉnh như Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Nguyên… nhằm hoàn thiện những điểm yếu, phát huy thế mạnh tại từng địa phương.
Nổi bật trong hệ thống liên kết của HTX là ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi cá, sử dụng chế phẩm sinh học, thu mua ốc bươu vàng tại cơ sở để chế biến thức ăn chăn nuôi, qua đó giảm được chi phí trong chăn nuôi, tạo thêm việc làm cho người lao động.
Giám đốc HTX Dương Hữu Chức cho hay: “Thời gian tới, để đảm bảo phát triển bền vững, HTX sẽ tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, mặt bằng sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh tập huấn cho thành viên về khoa học - kỹ thuật, sản xuất an toàn, ATLĐ. Hoàn thiện hệ thống sản xuất sạch, hiện đại, đảm bảo môi trường sinh thái”.
Về sản xuất, HTX tiếp tục tập trung đầu tư mở rộng quy mô, đầu tư cải tạo đập Vũ Lăng để phát triển nuôi cá lồng theo hướng hàng hóa và đưa thêm giống cá Lăng Chấm có giá trị kinh tế cao vào nhân rộng.
Bên cạnh đó, HTX Lê Hồng Phong cũng đang trong quá trình thử nghiệm và hoàn thiện dịch vụ câu cá, du lịch sinh thái tại đập Vũ Lăng. Nếu thành công, du lịch sinh thái sẽ là một trong những dịch vụ chủ lực, vừa đem lại giá trị kinh tế cao, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Văn Nguyễn