Ông Quảng Đại Hoàng - Chủ tịch HĐQT HTX Phước Hậu, cho biết năm 2017, xã Phước Hậu được chọn thí điểm mô hình cánh đồng lớn để sản xuất giống lúa TH 41, năng suất bình quân đạt 7,5 - 8 tấn lúa tươi/ha/vụ, tăng 2,5 tấn và 50% lợi nhuận so trồng lúa thương phẩm.
Hiệu quả từ cánh đồng lớn
Để bảo đảm hiệu quả sản xuất, HTX áp dụng nguyên tắc “1 phải 5 giảm”, trong đó, 1 phải là phải sử dụng giống xác nhận; 5 giảm gồm giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước và giảm thất thoát sau thu hoạch.
Tham gia mô hình, HTX và người nông dân được hưởng nhiều lợi ích. Nguồn giống cũng như kỹ thuật chăm sóc do công ty CP Giống cây trồng Nha Hố cung ứng và hướng dẫn. 100% sản phẩm chất lượng cao của người dân được bao tiêu.
Với kỹ thuật gieo sạ hàng và sạ thưa, khối lượng giống giảm xuống còn 150 - 200 kg/ha, đồng thời, việc gieo đồng loạt một loại giống và cùng thời gian còn giúp nâng cao hiệu quả chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Chi phí sản xuất giảm 4 - 5 triệu đồng/vụ/ha so với trồng lúa thương phẩm.
Ngay trong vụ đầu thí điểm, thành công của HTX và mô hình đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Nhiều hộ đã đăng ký để nhân rộng diện tích lên 100 ha trong vụ Đông Xuân năm 2017 - 2018.
“Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao, thành công của mô hình đã thay đổi tư duy sản xuất của người dân, từ manh mún, lạc hậu sang sản xuất tập trung, liên kết và chú trong ATLĐ. Người dân không còn lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, mà áp dụng phương thức sản xuất an toàn, vừa bảo đảm hiệu quả, vừa giảm thiểu rủi ro tai nạn”, ông Quảng Đại Hoàng nói.
Sản xuất trên cánh đồng lớn đang đem lại hiệu quả cao, an toàn cho người dân Phước Hậu |
Cơ giới hóa gắn với ATLĐ
Để đáp ứng nhu cầu sản xuất lớn, HTX chủ động đẩy mạnh cơ giới hóa, đưa các loại máy móc hiện đại vào sử dụng. Hiện tại, HTX đang có hệ thống máy công suất lớn gồm máy gặt đập liên hợp, máy cày, xe kéo rơ-moóc... sẵn sàng phục vụ thành viên và người dân.
Anh Phan Văn Đạo - thành viên liên kết với HTX, chia sẻ sản xuất trên cánh đồng lớn, người nông dân không còn phải lội xuống ruộng để thu hoạch lúa, tất cả đã có máy móc lo. Thu hoạch bằng máy gặt đập liên hoàn không chỉ tiết kiệm thời gian, giảm công lao động, bảo đảm ATLĐ, mà còn giúp chất lượng lúa được bảo đảm, giảm tỷ lệ hao hụt.
“Nếu canh tác truyền thống như trước, năng suất cao nhất cũng chỉ đạt 6 tấn/ha/ vụ. Sau khi áp dụng quy trình mới, khoa học - kỹ thuật được áp dụng, cùng sự hỗ trợ của máy móc, năng suất tăng lên 8 tấn/ha/vụ. Năng suất cao, sản phẩm được bao tiêu, lợi nhuận gia tăng, an toàn được đảm bảo, chúng tôi mừng lắm”, anh Đạo cho biết.
Cơ giới hóa gắn với ATLĐ, HTX chủ động nâng cao trình độ kỹ thuật cho đội ngũ vận hành máy, tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ, để bảo đảm an toàn cao nhất trong quá trình sản xuất, thu hoạch.
Với các hộ nông dân có máy tư, HTX cử cán bộ đến từng nhà hướng dẫn quy trình sử dụng, cách xử lý sự cố, bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng.
Hưng Nguyên