Từ năm 2011 đến hết năm 2019, toàn huyện huy động được hơn 3,8 nghìn tỷ đồng cho xây dựng NTM, trong đó tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường giao thông, nâng cấp hệ thống điện, phát triển sản xuất... Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của người dân trong huyện đạt 47 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,36%.
“Trụ cột” xây dựng NTM
Một trong những tiêu chí xây dựng NTM của huyện Tiên Lữ được đánh giá cao là hình thức tổ chức sản xuất, đặc biệt là phát triển kinh tế hợp tác, HTX.
Cây nhãn là một trong những thế mạnh được các HTX và tổ hợp tác phát triển sản xuất theo hướng VietGAP |
Theo đó, xác định được tầm quan trọng của kinh tế hợp tác đối với phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng NTM, huyện Tiên Lữ những năm qua thường xuyên phát triển các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn; góp phần giải quyết việc làm và nâng cao đời sống cho người lao động.
Thực hiện hướng dẫn của Trung ương, huyện Tiên Lữ đã chỉ đạo ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai; chỉ đạo việc xây dựng hồ sơ chuyển đổi, thành lập mới HTX theo quy định của Luật HTX năm 2012. Huyện đã tập trung xây dựng 3 chương trình, đề án trong đó có Đề án số 01-ĐA/HU ngày 20/4/2017 về phát triển nông nghiệp theo hướng VietGAP gắn với trọng tâm xây dựng mô hình HTX giai đoạn 2016 - 2020.
Qua 17 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, kinh tế của huyện Tiên Lữ đã không ngừng phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Toàn huyện đã có 30 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó 15 HTX kiểu mới, gồm 4 HTX dịch vụ chăn nuôi lợn, 3 HTX sản xuất nấm, 4 HTX nhãn và cây ăn quả, 1 HTX chăn nuôi bò, 2 HTX sản xuất rau và 1 HTX thủy sản.
Các HTX thành lập mới hoạt động ở mức khá, có doanh thu cao và làm ăn có lãi mang lại lợi nhuận cho các thành viên, đã xây dựng được liên kết, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, như: HTX Nấm Thành Yên (xã Trung Dũng), HTX Rau an toàn Chiến Thắng, HTX dịch vụ chăn nuôi nông nghiệp (xã Đức Thắng), HTX chăn nuôi thôn An Tào (xã Cương Chính)...
Hầu hết các HTX, tổ hợp tác đã chuyển đổi hoạt động theo quy định, ngày càng tăng quy mô, mở rộng sản xuất, kinh doanh; từng bước đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của thành viên. Một số mô hình tổ hợp tác tổ chức sản xuất tốt, thực hiện liên kết với các HTX và doanh nghiệp trong sản xuất, do vậy đã đem lại lợi ích cho người lao động, giúp người lao động giảm được chi phí sản xuất, tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, trên địa bàn huyện đã xuất hiện một số mô hình HTX trong các ngành nghề mới, như: HTX vệ sinh môi trường; HTX kinh doanh, khai thác và quản lý chợ. Một số HTX mới được thành lập gắn với việc đáp ứng nhu cầu kinh tế, đời sống của các nhóm đối tượng khác nhau, như: HTX của phụ nữ, HTX của thanh niên, HTX của các cựu chiến binh...
Cùng với việc duy trì tốt các loại hình dịch vụ trong nông thôn (toàn huyện có 216 doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh, trong đó có 152 doanh nghiệp, HTX, quỹ tín dụng đóng trên địa bàn đang hoạt động) đã giải quyết việc làm cho trên 15.000 lao động tại các địa phương, góp phần hoàn thành 19/19 tiêu chí/xã xây dựng NTM tại địa phương.
Sức lan tỏa của “điểm sáng”
Một trong những điển hình của khu vực kinh tế hợp tác đóng góp vào công cuộc xây dựng NTM tại huyện Tiên Lữ là HTX Rau an toàn Chiến Thắng (xã Thiện Phiến). Tuy mới được thành lập không lâu, nhưng mô hình trồng rau an toàn của HTX đã hoạt động hiệu quả theo hướng liên kết, hỗ trợ nông dân địa phương trong quá trình sản xuất, từ đó đang mang lại lợi ích cho cả HTX và người dân.
Khu vực kinh tế hợp tác hoạt động hiệu quả góp phần nâng cao các tiêu chí xây dựng NTM (Ảnh: TL) |
Khi mới thành lập, HTX thu hút 7 thành viên tham gia, với quy mô sản xuất 5ha (trong đó có 1.000m2 nhà kính, 12.000m2 nhà lưới), tổng kinh phí đầu tư 1,2 tỷ đồng.
Theo đó, HTX tập trung sản xuất các sản phẩm về rau, củ, quả theo quy trình VietGAP, áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất. Bằng việc tổ chức tập huấn thường xuyên kết hợp tuyên truyền vận động thông qua Hội Nông dân xã, HTX đến nay đã thu hút được thêm 21 thành viên tham gia với diện tích liên kết trên 15ha.
Cùng với việc tiến hành liên kết với các nông hộ tại địa phương, HTX ký hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản với các HTX và công ty sản xuất rau củ quả, chăn nuôi lợn, cá, gia cầm VietGAP tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Đến nay, HTX chủ yếu tiêu thụ thực phẩm an toàn cho 3 thị trường chính là siêu thị, bếp ăn công nghiệp và 15 trường mầm non trên địa bàn huyện Tiên Lữ và Phù Cừ.
Hiện nay, doanh thu hằng tháng của HTX đạt khoảng 600 triệu đồng, sau khi trừ mọi chi phí cho lợi nhuận từ 60 - 80 triệu đồng/tháng. Không chỉ làm giàu cho các thành viên, HTX còn tạo được việc làm cho 25 lao động thường xuyên và 26 lao động mùa vụ với mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Đồng thời, HTX đang thực hiện liên kết hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm các loại rau, củ, quả cho 25 hộ nông dân trong xã với tổng diện tích trên 20ha. Để điều hành và quản lý quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên tất cả diện tích sản xuất cho HTX, ngay khi hướng tới mục tiêu cùng phát triển, các thành viên của HTX và các hộ nông dân tham gia liên kết đều đã trải qua các lớp tập huấn, hướng dẫn về quy trình sản xuất rau an toàn từ khâu làm đất, chọn giống, chăm sóc, thu hoạch…
Theo Chủ tịch HĐQT Phạm Văn Khôi, nhu cầu rau sạch tại các siêu thị rất lớn, vì vậy HTX sẽ triển khai mở rộng thêm 15ha sản xuất theo hướng VietGAP để cung cấp sản phẩm đảm bảo an toàn, chất lượng.
Đức Nguyễn