HTX Nông nghiệp và dịch vụ bền vững Hội An được thành lập với 9 thành viên tham gia. Với niềm đam mê về nông nghiệp sạch, các thành viên đã đầu tư xây dựng mô hình Heal Organic Farm. Tháng 7/2019, Heal Organic Farm (khối Thanh Tây, phường Cẩm Châu, TP Hội An) chính thức được bắt tay vào thực hiện, trở thành nơi gắn kết những bạn trẻ này lại với nhau.
Mô hình Heal Organic Farm
Heal Organic Farm gồm 2 khu vực là nhà xưởng và vườn trồng với diện tích khoảng 1ha. Tại khu vườn hiện có khoảng 40 chủng loại rau quả như chanh dây, nha đam, atiso đỏ, đậu bắp, nấm bào ngư xám…, trong đó nhiều nhất là nha đam và atisô.
Chị Trần Huỳnh Hải Yến với mô hình khởi nghiệp nông nghiệp xanh (Ảnh: TL) |
Không chỉ cung ứng sản phẩm tươi ra thị trường, một số loại sản phẩm còn được chế biến từ nguyên liệu tại chỗ như trà atiso đỏ và nước uống nha đam và cũng bắt đầu được thị trường đón nhận.
Theo chị Trần Huỳnh Hải Yến - Giám đốc điều hành HTX Nông nghiệp và dịch vụ bền vững Hội An, HTX ra đời xuất phát từ ý tưởng nâng cao chuỗi giá trị về nông nghiệp xanh kết hợp với phát triển du lịch trải nghiệm.
Là cán bộ của Phòng Kinh tế TP Hội An, chị Yến có 6 năm tham gia hỗ trợ các dự án về nông nghiệp hữu cơ. Chị nhận ra rằng, những người nông dân có thể làm tốt công việc sản xuất nhưng để nâng cao chuỗi giá trị theo hướng du lịch thì hầu như chưa thể, doanh thu phần lớn vào tay các công ty lữ hành.
“Khi nhận thấy vấn đề đó, tôi ấp ủ làm một dự án riêng cho mình nhưng bắt tay vào thì gặp nhiều trở ngại về đất đai, nhất là không dễ tìm được những người cùng đam mê làm nông nghiệp sạch”, chị Yến chia sẻ.
Hầu hết trong 9 thành viên của HTX đều có công việc riêng, từ làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức phi chính phủ đến các công ty du lịch, dịch vụ... Tùy theo chuyên môn của mình, các thành viên được phân công phụ trách những mảng như sản xuất nông nghiệp, chế biến, công nghệ sinh học, môi trường, thị trường và phát triển du lịch…
“Chúng tôi xác định 1 - 2 năm đầu chắc chắn sẽ lỗ vì dự án nông nghiệp cần rất nhiều thời gian để hòa vốn chứ chưa kể đến lợi nhuận. Thế nhưng, chúng tôi vẫn quyết tâm không bỏ cuộc”, chị Yến chia sẻ.
Phát triển theo hướng du lịch xanh
Heal Organic Farm là mô hình nông nghiệp xanh, nên toàn bộ nguyên vật liệu đầu vào không dùng chất hóa học (phân, thuốc, biến đổi gen…), thay vào đó là sử dụng phân bò, bánh dầu hoặc ủ rơm rạ với cây lá, men vi sinh để tạo thành phân bón cho cây trồng, kể cả diệt trừ sâu bệnh cũng bằng các loại thuốc thảo mộc pha chế từ gừng, tỏi, ớt hoặc trồng các loại hoa, sả, húng nhằm dẫn dụ, xua đuổi sâu bệnh, côn trùng.
Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch đang là hướng đi của HTX Nông nghiệp và dịch vụ bền vững Hội An (Ảnh: TL) |
Sản phẩm trang trại là thủ công được chăm chút rất kỹ từ chất lượng, bao bì nhãn mác... Hiện, sản phẩm của Heal Organic Farm chủ yếu bán online cho khách lẻ tại Hội An và đưa vào các siêu thị mini.
Tuy nhiên, chị Hải Yến vẫn nhận định, về lâu dài sản phẩm nông nghiệp không thể là nguồn thu nhập chính của HTX, bởi nguồn thu từ nông sản hay sản phẩm chế biến chỉ chiếm 20 - 30%, nên phải tăng doanh thu từ các hoạt động khác, đặc biệt là hoạt động du lịch trải nghiệm.
“Mình sản xuất không theo hướng công nghiệp nên số lượng sản phẩm không thể nhiều được, vì vậy khi ra những thị trường lớn chắc chắn không đủ cung. Do đó, mục đích hướng đến vẫn là phục vụ du lịch. Trong thời gian này, chúng tôi tập trung làm tốt phần sản xuất và chế biến, chú trọng chiều sâu trước khi mở cửa đón khách”, chị Yến nói.
Theo nhận xét của ông Phan Xuân Thành - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp Hội An, kể từ khi ra mắt Câu lạc bộ Khởi nghiệp sáng tạo Quảng Nam tại TP Hội An (6/2018) đến nay, hầu hết mô hình khởi nghiệp theo hướng du lịch xanh mới chỉ manh nha, chưa có sự lan tỏa. Do đó, việc phát triển mô hình khởi nghiệp nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch là hướng đi phù hợp với địa phương có du lịch chiếm hơn 70% cơ cấu kinh tế như Hội An.
Ngọc Giang